Chuyện Cờ Tướng

Hồ Vinh Hoa – Tượng Kỳ Nhân Sinh

Hồi 26: Trong Đầu Có “Công Xưởng Binh”

TÁC GIẢ: THỪA CHÍ
NHÀ XUẤT BẢN TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI
LƯỢC DỊCH VÀ PHÓNG TÁC: willyphanvy

Tiểu Hồ nghe theo sự sắp xếp của lãnh đạo, không nghiên cứu cờ vây nữa, đem toàn bộ tinh thần vào nghiên cứu cờ tướng. Cậu quyết tâm phải khai sáng lý luận cờ tướng, chế tạo ra “vũ khí đời mới”. Vậy là cậu bỏ ra thời gian, tỉ mỉ đọc hết các tác phẩm cờ tướng từ đời Nam Tống đến tận bây giờ, chẳng hạn như, ‘Sự lâm quảng ký’, ‘Tượng kỳ đồ’, ‘Kim điêu thạp bát biến’, ‘Quất trung bí’, ‘Thích tình nhã thú’, ‘Mộng nhập thần cơ’, ‘Mai hoa tuyền’, ‘Thao lược huyền cơ’, ‘Mai hoa phổ’… Ngoài ra, cậu cũng có nghiên cứu cờ vua, các “khai cục pháp’, ‘phòng ngự pháp’ rất thu hút cậu. Chẳng hạn như ván cờ Tây Ban Nha, ván cờ Italia, khai cuộc Torre, ván cờ Nga, ván cờ Scotland, khai cuộc Tốt Vua, khai cuộc Tốt Hậu, ván cờ Sicilia, phòng thủ Ấn Độ cổ, phòng thủ Grunfeld, phòng thủ Benoni, phòng thủ Pháp, phòng thủ Alekhine, phòng thủ Slav, phòng thủ Nimzowitsch…, những điều mà nền cờ vua Trung Quốc không thể sánh bằng. Tiểu Hồ cũng hiểu được một cách hệ thống về các loại khai cuộc cờ vây, chẳng hạn như tinh bố cục, đối giác tinh bố cục, tinh tiểu mục bố cục, tam liên tinh bố cục, tinh dữ đế phối hợp đích bố cục, cao Trung Quốc lưu bố cục, đe Trung Quốc lưu bố cục, tiểu mục bố cục, “tú sách lưu” tiểu mục bố cục, “đối giác hình” bố cục, “tam, tam” bố cục, mục ngoại bố cục, cao mục bố cục… cũng phong phú hơn khai cuộc pháp của cờ vây Trung Quốc. Trong khai cục pháp của cổ phổ, cờ tướng Trung Quốc chỉ có trung Pháo cục, thuận Pháo, bình phong Mã được xem là bố cục chính quy. Tiểu Hồ cho rằng, phi Tượng cục, quá cung Pháo, uyên ương Pháo, tiên nhân chỉ lộ, nhảy Mã cục… cũng có thể được xem là chính quy. Cậu nỗ lực kế thừa kỳ nghệ cao siêu của người đi trước, lại không mê tín, dám xông vào chỗ cấm của kỳ nghệ, khai phá đất mới. Phàm những người hiểu về tam châu trong cờ đều biết tinh hoa ‘Quất trung bí’ và ‘Mai hoa phổ’. Hai khai cuộc cơ bản lớn thường thấy trong đối cục hiện đại là đương đầu Pháo và bình phong Mã đều lấy từ trong cổ phổ mà ra. Một số người xem đó như là kim khoa ngọc luật. Nhưng tiểu Hồ phát hiện trong cổ phổ, bên cạnh tinh hoa còn có chỗ sai sót. Ví dụ ‘Mai hoa phổ’ tuyên bố “tả trung Pháo” có thể đại phá “quá cung Pháo”. Vì vậy mọi người không dám dùng “quá cung Pháo” trong thi đấu. “Quá cung Pháo” gần như mất tích, khoảng trăm năm nay không có người dám dùng. Tiểu Hồ dám đứng ra khiêu chiến, phân tích cụ thể ưu khuyết điểm của “quá cung Pháo”, dốc hết tâm huyết, nghiên cứu lỹ lưỡng, khiến “quá cung Pháo” vốn không thắng nổi “trung Pháo” được hồi sinh và trở nên huy hoàng. Với bố cục “quá cung Pháo”, cậu sáng tạo ra hơn 30 cách biến hóa, trở thành vũ khí mới trong tay cậu. “Phi Tượng cục” cũng là cách bố cục cổ xưa. Tuy nhiên, không biết tại sao, sau này những người có ảnh hưởng trong giới cờ, cho rằng nó thiên về ổn định, quá bảo thủ, không đủ chủ động. Thế là trong một thời gian dài, các kỳ thủ cũng không dám dùng “phi Tượng cục” nữa. Tiểu Hồ lại không nghĩ như vậy, cho rằng “phi Tượng cục” cũng có đặc điểm quy luật riêng của nó, có khuyết điểm cũng có ưu điểm, tùy vào bạn nắm bắt nó ra sao, vận dụng nó như thế nào, làm sao khiến nó chuyển biến có lợi. Thế là cậu xuất phát từ tư tưởng chủ đạo là lấy công là chính, đổi mới lối đi, sáng tạo ra rất nhiều biến hóa mới, thông qua kiểm chứng thực chiến, đoạt được thành quả thực chiến rất tốt, làm phong phú thêm nội dung “phi Tượng cục” về mặt lý luận và thực tiễn. “uyên ương Pháo”, “quy bối Pháo”, “phản cung Mã”… những phương pháp có từ lâu đời, cũng bị một số cao thủ chỉ trích, cho vào lãnh cung. Tiểu Hồ cũng dùng quan điểm biện chứng để xem xét nó, tiến hành nghiên cứu, thêm vào luồng khí mới, khiến các kỳ nghệ cổ xưa hồi sinh trở lại. Cậu cũng sáng tạo thêm bố cục trung Pháo thất lộ Mã hoành Xa. Bố cục này tranh phong với bình phong Mã tấn thất Binh; đặc biệt là hoành Xa bình 4 hỗ trợ, ghìm đầu Mã, khiến con đường “hoành Xa đợi đối phương lên Sĩ mà chiếu Tướng” rộng rãi hơn, có giá trị nghiên cứu rất lớn trong việc sáng tác bố cục sau này. Tiểu Hồ từ nhỏ hiếu học, không chỉ nghiên cứu cổ phổ, cũng nghiên cứu đối cục của danh thủ đương đại và đối cục của một số kỳ thủ, từ đó học hỏi tinh hoa. Cậu đặc biệt am hiểu đặc điểm đường cờ của các kỳ thủ trứ danh toàn quốc như lòng bàn tay, tìm ra cách ứng phó thích hợp với từng đối thủ, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Nếu công phu khai cục của đối phương tốt, cậu tìm cách chiến thắng đối phương trong trung cục hoạc tàn cục; nếu công phu trung cục, tàn cục của đối phương tốt, cậu sẽ tranh thủ chiếm ưu thế trong giai đoạn khai cục, duy trì chủ động và ưu thế, cho đến hết cục. Cậu cũng thường để ý cờ của các kỳ thủ nghiệp dư vô danh. Ví dụ phát hiện có kỳ thủ nhảy chính Mã trong “thuận Pháo”, mà không phải Mã biên. Mà trước giờ các danh thủ cũng đều nhảy chính Mã. Vị kỳ thủ vô danh này lại dám phá vỡ quy tắc thông thường, không giống với mọi người. Tiểu Hồ cho rằng nhảy chính Mã cùng với nhảy Binh 3 là phương pháp công thủ kiêm bị, cương nhu tương tể, song Mã tương đối hoạt bát, kết quả thực chiến cực tốt. Cậu liền vận dụng vào trong thực chiến của mình, trở thành bố cục “thuận Pháo chính Mã tấn Binh 3”. Giới cờ tưởng rằng đây là sáng tác của tiểu Hồ, thực ra là kỳ thủ không biết tên của Thượng Hải đã dùng trước, tiểu Hồ chỉ là phát triển thêm thôi.
Trong đầu tiểu Hồ thường hiện ra một bàn cờ vô hình, trên đó có 32 quân cờ đang biến hóa. Lúc ngồi yên lặng một mình, các quân cờ trong đầu cứ chuyển động, có khi trong lúc đi đường hay đang ăn cơm, trong đầu cứ thường nghĩ làm sao nhảy Mã, làm sao lên Binh, làm sao ra Xe, làm sao nã Pháo. Cậu đem toàn bộ tâm trí đầu tư vào kỳ nghệ như vậy đó. Cậu thường hay phân tích tâm lý đối thủ trong thực chiến, tiến hành công tâm. Ví dụ, có lần cậu thi đấu với Triệu Khánh Các, đến giai đoạn tàn cục, song phương tàn sát lẫn nhau. Triệu Khánh Các có Xe, Pháo, Binh, đơn khuyết Tượng (song Sĩ đơn Tượng). Tiểu Hồ có Xe, Mã, Binh, Sĩ Tượng toàn. Từ cục thế mà xem xét, có thể đi thành hòa cờ. Lúc đó tiểu Hồ có cơ hội ăn đối phương một Binh, nhưng cậu không ăn, phân tích tâm lý của Triệu Khánh Các, cậu nghĩ, Triệu Khánh Các là kỳ thủ có tiếng, rất muốn thắng ván cờ này, để chứng minh thực lực của mình không thua quán quân toàn quốc, có thể đánh bại quán quân toàn quốc, chỉ cần có một chút hy vọng thủ thắng, sẽ quyết không muốn cầu hòa, nếu ăn mất Binh này của ông, Triệu Khánh Các sẽ không có hy vọng thủ thắng nữa, ông tất nhiên sẽ cố thủ, mong rằng không thua. Thế Xe Pháo đơn khuyết Tượng của ông đủ để chống lại sự tấn công của Xe Mã Binh, sau cùng tất nhiên thành hòa cờ. Nếu không ăn Binh của ông, ông còn có sức công kích, thì sẽ không phòng thủ đơn thuần, tất nhiên phải tấn công, tranh thủ thắng lợi, tâm lý cầu thắng có thể làm xuất hiện sơ suất. Vậy là, cậu quyết định không ăn Binh. Triệu Khánh Các quả nhiên phát động tấn công, đem Pháo của mình chạy đến trận địa đối phương. Tiểu Hồ liền sử dụng chiến thuật phong tỏa, nhốt lại con Pháo này, không cho quay về phòng thủ, đồng thời phát động phản công, Xe, Mã Binh cùng nhau tác chiến, công phá được sự phòng thủ của đối phương, Triệu Khánh Các do Pháo đã bị nhốt, không thể quay về bảo hộ chủ soái, chỉ có thể để cho chủ soái của mình bị bắt.
Tiểu Hồ cầu tiến trong kỳ nghệ, đổi mới tư tưởng, sáng tạo ra đủ loại “vũ khí đời mới”. Các nhà bình luận kỳ nghệ thường dùng lời hay ý đẹp “cấu tư tân dĩnh”, “tượng tâm độc vận” để khen cậu. Bạn thân của cậu Từ Thiên Lợi dùng ngôn ngữ tượng hình để khen tặng cậu “Trong đầu Hồ Vinh Hoa giống như có công xưởng binh vậy, trong đó có rất nhiều vũ khí, đến lúc thi đấu, đủ loại vũ khí đời mới cũng có thể đem ra sử dụng bất cứ lúc nào,” vì vậy, cậu thường không dùng các lối đi cũ trong thi đấu, cậu chỉ nắm vững yếu lĩnh của lối đi cũ, lúc vận dụng tự bản thân phát huy thêm. Người khác nhìn ra cậu đi cờ không sa vào khuôn mẫu. Cậu cũng không đi các nước cờ đơn giản, luôn tìm cách làm cho cục thế biến hóa phức tạp, kích động cuộc chiến. Tuy nhiên sự hiếu chiến của cậu không phải là dại dột, mà là trong lúc tác chiến cậu thiên về vận dụng phương pháp biện chứng và chiến lược chiến thuật, nghiêm túc phân tích quan hệ công phòng giữa địch và ta và sự chuyển hóa giữa tiên thủ và hậu thủ. Có thể hình dung cậu như vậy, cậu là mãnh tướng dũng cảm nhất, cũng là quân sư thần cơ diệu toán. Có lần cậu thi đấu với danh tướng Cát Lâm Lương Văn Bân. Đến giai đoạn trung cục, Lương Văn Bân còn song Xe, một Mã, một Pháo và Sĩ Tượng toàn. Tiểu Hồ có song Xe, song Mã và Sĩ Tượng toàn, có thể nói, binh lực hai bên ngang nhau. Lúc này đến lượt Lương Văn Bân đi cờ, ông dùng Xe bắt Mã. Tiểu Hồ xem qua, đối phương muốn ăn Mã của mình rồi, vậy thì, nên ứng phó thế nào đây? Có hai cách ứng phó: Mã 3 tấn 5 hoặc Mã 7 tấn 5, cũng có thể kết thành liên hoàn Mã, bảo hộ lẫn nhau. Nhưng, nhảy Mã 3 tương đối ổn định, không chút sơ hở. Nếu nhảy Mã 7, thì sẽ khiến Tượng mất đi sự bảo vệ, một con Pháo của đối phương có thể nhắm vào Tượng, còn có một Xe có thể tùy cơ phát động trợ chiến. Vì vậy, nhảy Mã 7 sẽ có sự nguy hiểm rất lớn. Tuy vậy, tiểu Hồ sau khi suy nghĩ kỹ, cố nhiên nhảy Mã 7, mạo hiểm chiến đấu, mọi người lúc đó đều vô cùng ngạc nhiên. Nói nhỏ với nhau: tiểu Hồ có lẽ phát sốt rồi. Tiểu Hồ trong lòng nghĩ là: nhảy Mã 3 tuy bình ổn, nhưng hai con Mã của mình sẽ bị khống chế, sau đó tiến thủ tương đối khó khăn, rất có khả năng hình thành hòa cờ. Nhảy Mã 7 tuy có mạo hiểm, sẽ mất đi một Tượng, nhưng hai con Mã tương đối linh hoạt. Mã 5 bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy qua biên giới đối phương, xông thẳng vào trận địa đối phương. Con Tượng kia của mình cũng có thể bị ăn, chịu tổn thất nặng nề, binh lực suy yếu. Tuy nhiên, một Mã, một Pháo và hai con Xe của đối phương sẽ mất đi sự liên hệ, không thể tạo thành thế công mạnh. Quả nhiên, con Mã bên sông của tiểu Hồ không ngừng uy hiếp đối phương, sau cùng con Mã còn lại xông thẳng vào doanh trại địch, công thành phá ải, bắt được chủ Tướng địch.
Ngoài việc sáng tạo “vũ khí đời mới”, tiểu Hồ đồng thời nghiên cứu lý luận cờ tướng, cũng có thể nói, cậu phát minh ra đủ loại biến hóa là có căn cứ lý luận, lý luận về bố cục của cậu đã đạt đến cảnh giới cao thâm mà trước kia chưa từng có được. Nhất là nói về chủ đề tinh vi, chẳng hạn như sự điều động của các quân chủ lực, tốc độ ra quân, sự hoa mỹ của hình thế, vị trí tốt nhất của mọi binh chủng cũng như hiệu quả phát huy, khai thông mở lối…, cậu từ sự cao thâm của kết cấu học trong cờ tướng tiến hành khai sáng toàn diện, đạt được thành tựu cực lớn. Sự khích lệ trước kia của lão tiền bối Trần Tùng Thuận, bàn về việc khai sáng của tiểu Hồ, đặc biệt là trong ‘Tượng kỳ nguyệt khan’, tôn sùng sự ảo diệu trong tư tưởng khai sáng của tiểu Hồ, mang đến sự giác ngộ cực lớn. Vào năm 1960, trong giải đối kháng cờ tướng Thượng Hải, cuộc chiến giữa Hồ Vinh Hoa và Thái Phúc Như, cậu đã sử dụng phi Tượng cục rất hiếm gặp lúc bấy giờ, khiến Thái Phúc Như nhất thời khó ứng phó được, không thể không bại dưới tay cậu, bố cục này sau khi trải qua sự phong phú và phát triển lâu dài của cậu đã trở thành một trong các bố cục nóng nhất hiện giờ.
Bố cục “uyên ương Pháo” và “quy bối Pháo”, xưa nay bị giới cờ nghĩ đó là bố cục không tốt, quân lực của nó quy về một phía, rất dễ chịu sự khống chế của đối phương, không dễ phản kích, nên đã bỏ đi không sử dụng, mất tích hàng trăm năm. Chỉ có các kỳ thủ trong giang hồ dùng để đối phó với một số người mê cờ. Tiểu Hồ can đảm tạo ra sự cách tân đối với các bố cục này, khéo léo khiến cho các quân của một bên biến hóa thành quân lực tập trung, khéo léo khiến cho việc chịu khống chế biến thành sự phục kích quân địch, khiến đối phương khó mà tin cậu đã làm cho việc không dễ phản công đột ngột chuyển hóa thành vũ khí tầm xa như sét đánh ngang tai. “Uyên ương Pháo” và “quy bối Pháo” bao năm nay bị cho vào lãnh cung, sau khi được tiểu Hồ khai sáng đã phát huy được tác dụng lúc thủ thì có thể “ẩn mình dưới chín lớp đất”, lúc công có thể “bay lên chín tầng may”
Khai sáng không dễ chút nào, trước kia đã có một số danh thủ thử khai sáng, “tượng kỳ tổng tư lệnh” Tạ Hiệp Tốn đã thử qua, nhưng vẫn không thành công. ‘kỳ vương 7 tỉnh’ Châu Đức Dụ, cũng đã tiến hành khám phá, kết quả cũng nhất sự bất thành. Hồ Vinh Hoa trải qua lịch trình nghiên cứu cực kỳ gian khổ, với nghị lực hóa giải khó khăn trăm bề và dũng khí bất khuất, cuối cùng đã có thể khai quật được đường lối chưa thể khai phá được của các tiền bối, chinh phục được đỉnh cao không thể leo lên được của các kỳ thủ. Hồ Vinh Hoa được mệnh danh là nhà cách tân của nghệ thuật cờ tướng Trung Quốc.

– Còn tiếp –

3 bình luận

ngọc nhân 24/10/2021 at 5:20 chiều

không biết có biên bản các ván đấu trong hồ vinh hoa tượng kì nhân sinh không ad

Trả lời
Thần Long 05/11/2021 at 3:57 chiều

Chào bạn,
Mình có và mình sẽ bổ sung sớm nhé

Trả lời
Linh 23/03/2024 at 1:53 chiều

Cao thủ cờ tướng có đó youtube

Trả lời

Góc đàm đạo