Chuyện Cờ Tướng

Hồ Vinh Hoa – Tượng Kỳ Nhân Sinh

Hồi 25: Tham Gia 81 Ngày Huấn Luyện Cờ Vây

TÁC GIẢ: THỪA CHÍ
NHÀ XUẤT BẢN TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI
LƯỢC DỊCH VÀ PHÓNG TÁC: willyphanvy

Thượng Hải kỳ xã có 3 đội tập huấn cờ: đó là đội tập huấn cờ tướng, đội tập huấn cờ vây và đội tập huấn cờ vua. Tiểu Hồ cũng rất có hứng thú với cờ vây và cờ vua. Phòng huấn luyện của đội tập huấn cờ vây chỉ cách phòng huấn luyện của đội tập huấn cờ tướng có một vách ngăn. Tiểu Hồ lúc rảnh là chạy qua phòng huấn luyện của đội tập huấn cờ vây xem cờ. Các cao thủ cờ vây cỡ tuổi cậu như Trần Tổ Đức, Ngô Tùng Sanh đều là bạn tốt của cậu. Họ nói với cậu: “Chơi cờ vây càng có ý nghĩa hơn cờ tướng, cậu cũng đến đây chơi cờ vây với chúng tôi đi.” Tiểu Hồ cảm thấy cờ tướng, cờ vây, cờ vua đều có chỗ giống nhau, đó là đều phải nghiên cứu chiến lược, chiến thuật, cũng đều phải tinh ý. Nếu có thể nắm bắt được cả 3 loại cờ thì sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Thế là cậu quyết tâm học cờ vây và cờ vua. Năm nay sau khi cậu đoạt quán quân giải đấu cờ tướng toàn quốc, thấy được trận giao hữu cờ vây Trung Nhật lần đầu năm nay, đội cờ vây Trung Quốc gặp thảm bại. Các kỳ thủ Nhật Bản nhượng tiên, đấu được 35 ván cờ, đội Trung Quốc chỉ thắng có 2 ván, hòa 1 ván, thua mất 32 ván. Đây quả thật là một nỗi nhục lớn. Tiểu Hồ nghĩ, cờ vây là tuyệt kỹ của Trung Quốc, sao lại không bằng Nhật Bản được? Có ngày cậu chạy đến phòng huấn luyện đội tập huấn cờ vây, nhắc đến trận giao hữu cờ vây Trung Nhật, hỏi lão kỳ thủ Cố Thủy Như: “Tại sao đội cờ vây Trung Quốc thua thảm như vậy trong trận giao hữu cờ vây Trung Nhật vậy?”
Cố Thủy Như là lão tiền bối của giới cờ vây đương thời. Lúc trẻ ông từng du học Nhật Bản, chuyên môn nghiên cứu cờ vây, kỳ nghệ mãnh tiến, sau khi về nước đã trở thành đệ nhất quốc thủ, giới cờ xưng ông là cờ vây thái đẩu. Từng làm lão sư của Ngô Thanh Nguyên và là môn hạ kiếm khách của quân phiệt Bắc Dương Đoàn Kỳ Thụy, thường đánh cờ với Đoàn Kỳ Thụy, rất được sự tôn trọng của nhà cầm quyền này. Lúc này ông vô cùng mẫn cảm trước câu hỏi của tiểu Hồ, thở dài: “Ta cũng không ngờ đội Trung Quốc lại thua thảm như vậy. Tuy nhiên, điều này là có nguyên nhân lịch sử, nói ra khiến người buồn lòng. Trước giải phóng Trung Quốc là quốc gia nửa phong kiến nửa thực dân, chịu sự áp bức của đế quốc, quốc vận không tốt, các tầng lớp xã hội cũng không phồn thịnh, kỳ vận cũng không được tốt, đặc biệt là thời kỳ thống trị đen tối nhất của quân phiệt, không có giao lưu, kỳ nghệ càng xuống ngàn dặm. Ta không ngại nói một câu chuyện cho cậu nghe, lúc đó trong quân phiết Bắc Dương có một người tên là Đoàn Kỳ Thụy, xưng hô ‘Bắc Dương chi hổ’, nhưng ông chẳng qua chỉ là một chính khách thô thiển. Ông xuất thân trong gia đình địa chủ. Ông nội ông là Đoàn Bội, một võ quan Hoài quân. Đoàn Kỳ Thụy theo ông nội đọc sách từ nhỏ, sau này theo học tại khoa pháo binh tại học viện quân sự Thiên Tân, sau khi tốt nghiệp, ông được gửi đi Đức học tập tại học viện quân sự Berlin, đồng thời học tập pháo công tại nhà máy của quân Alfred Krupp nổi tiếng thế giới. Sau khi về nước, ông được phong làm ủy viên trưởng Cục Quân giới Bắc Dương. Năm 1895, Đoàn Kỳ Thụy và Vương Sĩ Trân, Phùng Quốc Chương… đầu quân cho Viên Thế Khải. Viên Thế Khải thích cách luyện quân của Đức. Đúng lúc Đoàn Kỳ Thụy vừa mới học tại Đức nên được Viên Thế Khải trọng dụng, được phong làm chỉ huy pháo binh kiêm Hiệu trưởng trường sĩ quan pháo binh. Sau này, ông trấn áp phong trào Nghĩa Hòa Đoàn và trấn áp Quảng Tông, khởi nghĩa uy đàm Cảnh Đình Tân, giết được hàng ngàn người, được triều đình nhà Thanh phong làm ‘phấn dũng ba đồ lỗ’. Năm 1905, Đoàn Kỳ Thụy được phong làm Tổng trưởng Quân đoàn Lục quân số 3, không lâu sau trở thành Tổng trưởng Lục quân của Chính phủ Bắc Dương. Ông rất công tâm, khéo biết tranh quyền đoạt lợi, trở thành thân tín của Viên Thế Khải. Sau khi Viên Thế Khải thất bại trong việc muốn làm hoàng đế, Đoàn Kỳ Thụy chuyển mình trở thành Quốc vụ Tổng lý của Chính phủ Bắc Dương. Ông thích chơi cờ vây, thậm chí vô cùng nghiện nên đã tuyển mộ vài cao thủ cờ vây đến nhà ông chơi cờ. Đương thời ta cũng được ông tuyển đến, ông đi cờ rất nhanh, vô cùng hiếu chiến, trình độ lại không ra sao. Nhưng ông ta tưởng mình chơi giỏi. Kỳ phẩm rất tệ. Người khác đối cục với ông ta, chỉ có thể nhường ông ta thắng, không thể để ông ta thua. Ai làm ông ta thua, ông ta sẽ dùng sự oai phong của đại quân phiệt, nhăn nhó chửi người. Bởi vậy, lúc chơi cờ với ông ta, phải không thắng ông ta, cũng không thể khiến ông ta cảm thấy cố tình nhường ông ta, giống như là ông ta thắng thật vậy. Như vậy ông ta mới vui vẻ. Lúc đó các kỳ thủ chơi cờ với ông ta, cũng đều vì mưu sinh. Vì vậy ai cũng không dám đắc tội ông ta, chỉ có thể nịnh ông ta, nói cờ của ông ta vô cùng cao siêu. Ông ta được vậy càng đắc ý hơn, cố nhiên muốn phân cao thấp với người Nhật Bản, bèn mời Honinbō Shūsai của Nhật Bản đến Trung Quốc. Kết quả kỳ thủ Trung Quốc thảm bại, bản thân Đoàn Kỳ Thụy được Honinbō Shūsai chấp 5 quân, cũng vẫn thua. Từ đó có thể thấy, lúc đó trình độ cờ vây Trung Nhật đã có khoảng cách rất lớn. Điều này cũng vì Trung Quốc cũ bất lực. Như Đoàn Kỳ Thụy thân là Quốc vụ Tổng lý Chính phủ Bắc Dương, chỉ xem cờ vây như là thú vui của mình, mà không nghĩ đến việc nâng cao trình độ kỳ nghệ. Cờ vây của Nhật Bản được truyền từ Trung Quốc, người Nhật Bản xem nó như là nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống và nâng cao tư duy con người, vô cùng coi trọng, trong nước đã có kỳ viện, trong kỳ viện có chức kỳ sĩ. Địa vị của kỳ sĩ rất cao, tương đương với giáo sư. Mỗi năm thi đấu, kẻ thắng nhận được rất nhiều tiền thưởng. Vì vậy, các kỳ sĩ chuyên tâm nghiên cứu kỳ nghệ, tiến bộ rất nhanh, họ tư xưng Nhật Bản là ‘vương quốc cờ vây’. Sau giải phóng Trung Quốc khuyến khích cờ vây, muốn tranh thủ nâng cao kỳ nghệ, để thích ứng với địa vị quốc tế của nước ta. Không ngờ lần đầu so tài với kỳ thủ Nhật Bản, được nhượng tiên vẫn thua, thậm chí thua thảm như vậy. Điều này không tương xứng với địa vị quốc tế của nước ta. Vì vậy, chúng ta cần phải bồi dưỡng gấp các kỳ thủ thanh thiếu niên có tài năng, khiến họ nhanh chóng trưởng thành, theo kịp và vượt qua các kỳ thủ Nhật Bản, giành vinh quang cho nước nhà. Cậu mới nhỏ tuổi vậy đã trở thành quán quân toàn quốc, chứng tỏ cậu rất có năng khiều cờ. Nếu cậu học cờ vây, nhất định sẽ nâng cao rất nhanh, trở thành quốc thủ cờ vây nổi bật. Lúc Ngô Thanh Nguyên còn ở tuổi thiếu niên, cũng rất có năng khiếu cờ. Ta dạy cậu ta được một thời gian, tiến bộ rất nhanh, được người Nhật Bản xem trọng. Vì lúc đó quân phiệt thống trị, nhân tài ưu tú không được xem trọng và bồi dưỡng, Ngô Thanh Nguyên chỉ có thể chạy sang Nhật Bản. Sau này ông ta xưng hùng ở kỳ đàn Nhật Bản, khai sáng ‘Ngô Thanh Nguyên thời đại’. Điều này chứng tỏ, kỳ thủ Trung Quốc chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua kỳ thủ Nhật Bản, quan trọng là phải ra sức bồi dưỡng kỳ thủ thanh thiếu niên. Vì vậy, chúng tôi rất hoan nghênh cậu đến đội cờ vậy, cùng nghiên cứu cờ vậy với chúng tôi, để sau này đánh bại kỳ sĩ Nhật Bản, giành vinh quang cho nước nhà. Đương nhiên, cậu vẫn có thể tham gia giải đấu cờ tướng. Một người kiêm hai loại kỳ nghệ cũng có thể ổn mà. Cậu cảm thấy thế nào?”
Tiểu Hồ bị lời nói của vị lão tiền bối cờ vây này làm cho cảm động. Cậu nói: “Lời nói của Cố lão sư khiến cháu rất được giáo dục, rất được khích lệ. Bác Trần Nghệ nói cờ vây cờ tướng đều là tuyệt kỹ của Trung Quốc, nên tiếp tục phát dương, khiến nó nhanh chóng phát triển. Cháu thấy được hiện giờ cờ vây của chúng ta không bằng Nhật Bản, cảm thấy rất đau lòng. Cháu nghĩ chúng ra nên đẩy mạnh nâng cao trình độ cờ vây, theo đuổi và vượt qua Nhật Bản, cháu cũng rất có hứng thú với cờ vây, nếu có thể đến đội cờ vây, vậy thì quá tốt rồi. Tuy nhiên, nên xin phép lãnh đạo kỳ xã đã, phải được sự đồng ý của lãnh đạo mới được.”
“Quá tốt rồi, chúng tôi hoan nghênh cậu đến đây. Xin phép lãnh đạo kỳ xã là không thành vấn đề.” Cố Thủy Như hôm nay nhìn thấy kỳ thủ thiên tài tiểu Hồ cảm thấy phấn khởi lạ thường.
Vị lão kỳ thủ khác là Lưu Lệ Hoài cũng thấy được kỳ tài của tiểu Hồ. Ông trẻ hơn Cố Thủy Như một ít, nhưng ngoại hình và tính cách lại khác xa Cố Thủy Như. Ông dáng người cao lớn, còn Cố Thủy Như thì lùn; kỳ phong của ông dũng mãnh, đại đao khoát phủ, còn Cố Thủy Như kỳ phong âm nhu, khéo xuất kỳ binh. Giới cờ xưng ông là “Nam Lưu”, và “Bắc Quá” của Quá Dịch Sinh. “Nam Lưu”, “Bắc Quá” là một số biệt danh của kỳ đàn đời sau của Cố Thủy Như. Đồng chí Trần Nghệ thường chơi cờ vây với hai người họ, khích lệ họ bồi dưỡng ra kỳ thủ thanh thiếu niên, vượt qua kỳ sĩ Nhật Bản, vì vậy, ông nói với tiểu Hồ: “Ta tin cậu chơi cờ vây cũng nhất định rất xuất sắc, có thể giống Ngô Thanh Nguyên xưng hùng kỳ đàn, đánh bại kỳ sĩ Nhật Bản, giành vinh quang cho nước nhà.”
Các kỳ thủ thiếu niên Trần Tổ Đức, Ngô Tùng Sanh… tuổi tác gần tiểu Hồ, cùng với một vị lão kỳ thủ khác Vương Hữu Thần cũng hoan nghênh tiểu Hồ gia nhập đội tập huấn cờ vây.
Cố Thủy Như tìm kỳ xã xã trưởng Dương Minh, nói rõ bản thân đồng ý dạy tiểu Hồ chơi cờ vây cùng với việc giải thích tại sao muốn tiểu Hồ chơi cờ vây. Dương Minh cũng là người mê cờ vây, cũng rất đau lòng trước việc Trung Quốc lạc hậu so với Nhật Bản, nếu tiểu Hồ đầu quân cờ vây, đương nhiên cũng tốt, nhưng ông cũng suy nghĩ cờ tướng Trung Quốc cũng cần có tiểu Hồ, tiểu Hồ không thể kiêm cả hai loại cờ, nhất thời do dự bất quyết, đáp Cố Thủy Như: “Để ta suy nghĩ lại.”
Cố Thủy Như không nơi nương tựa, liền nhờ Lưu Lệ Hoài đi bàn tiếp với Dương Minh. Dương Minh nghĩ Cố Thủy Như đến hỏi, ta không đồng ý, Lưu Lệ Hoài đến hỏi, ta lại đồng ý, vậy chẳng khác nào đắc tội Cố Thủy Như. Hai vị lão kỳ thủ này cũng có tên tuổi trong giới cờ, ai cũng không thể đắc tội, nên cũng không có thái độ rõ ràng. Nhưng Cố Thủy Như và Lưu Lệ Hoài cũng một lòng muốn bồi dưỡng tiểu Hồ trở thành cao thủ cờ vây. Tiểu Hồ cũng rất muốn tạo ra kiệt tác trong cờ vây. Trong tình hình hai bên đều đồng ý, hai vị lão kỳ thủ cũng tranh thủ đem công phu của bản thân truyền cho tiểu Hồ. Từ tháng 12 năm 1961 đến tháng 2 năm 1962, tiểu Hồ luyện được 81 ngày cờ vây. Lúc này giải đối kháng cờ tướng mang tính truyền thống của Thượng Hải, Quảng Châu cũng đã bắt đầu. Tiểu Hồ thân là đội viên chủ lực của đội cờ tướng Thượng Hải, đương nhiên phải tham gia. Lúc đó đội cờ tướng Thượng Hải và đội cờ tướng Quảng Châu đều là mãnh hổ của toàn quốc. Trước giờ hai bên giao thủ đại đa số cũng đều ngang ngửa hoặc thắng thua cách biệt cực nhỏ. Tuy nhiên, kết quả đối kháng lần này đã tạo ra kỷ lục cách biệt cao nhất. Quảng Châu cố nhiên có thể 6 thắng 10 hòa 2 thua đại thắng, chiến tích của tiểu Hồ đội Thượng Hải là 3 hòa 3 thua, chưa thắng ván nào, sa sút trầm trọng. Lúc đó, chủ nhiệm văn hóa thành phố Thượng Hải Trần Lâm Hồ đi đến đấu trường, hỏi các kỳ thủ tại đó: “Tiểu Hồ lần này thi đấu tại sao thất thường như vậy? Cậu ta là quán quân toàn quốc mà, sao lại trở nên như vậy?” Thế là có người đáp: “Có lẽ là do gần đây tiểu Hồ thường chơi cờ vây.”
Trần Lâm Hồ nổi giận đùng đùng hỏi: “Là chủ ý của ai? Tại sao mọi người lại không hỏi ta?”
Dương Minh chỉ có thể đem chuyện Cố Thủy Như, Lưu Lệ Hoài nhiệt tình bồi dưỡng tiểu Hồ chơi cờ vây kể lại cho Trần Lâm Hồ, trước sự chất vấn của Trần Lâm Hồ, tiểu Hồ không thể không ngừng luyện cờ vây. Sau này tiểu Hồ dí dỏm nói với mọi người: “Viên Thế Khải làm 81 ngày hoàng đế, ta làm 81 ngày kỳ thủ cờ vây.”

– Còn tiếp –

3 bình luận

ngọc nhân 24/10/2021 at 5:20 chiều

không biết có biên bản các ván đấu trong hồ vinh hoa tượng kì nhân sinh không ad

Trả lời
Thần Long 05/11/2021 at 3:57 chiều

Chào bạn,
Mình có và mình sẽ bổ sung sớm nhé

Trả lời
Linh 23/03/2024 at 1:53 chiều

Cao thủ cờ tướng có đó youtube

Trả lời

Góc đàm đạo