5. BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN:
Sự thắng lợi trong giải cờ thành phố càng kiên định lập trường của ba. Thấy được thiên tư cờ của con mình, ba quyết định thi hành một số biện pháp phi thường để tạo thêm cơ hội tôi học cờ.
Trước tiên, ba tích cực liên hệ nhà trường, xin cho tôi giảm bớt thời gian lên lớp: sáng đi học như thường, chiều nếu không có môn chính, thì ở nhà dợt cờ. Trường đồng ý đề nghị của ba. Thầy cô đều đối xử tốt với tôi. Năm lớp 3, có một hôm trời bỗng trở lạnh mà tôi chỉ khoát trên người cái áo len mỏng. Thầy Lâm chủ nhiệm lớp thấy tôi run cằm cặp, liền vào phòng lấy ra một cái áo ấm cho tôi mặc , tôi thấy ấm cả lòng lẫn nguời. Sau này, tôi đã viết lại sự việc trên với tiêu đề: “Một câu chuyện nhỏ”, và giành được giải ưu tú cuộc thi viết văn khối lớp 4 cấp Quận.
Phần lớn thời gian buổi chiều tôi đều ở nhà “Luyện Phổ. Đó là dựa theo “bí kiếp” cờ đã chép mà diễn lại từng nước đi trong bàn cờ. Trong quá trình ấy, người luyện phải suy nghĩ tỉ mỉ tường tận, nghiền ngẩm nội dung hàm chứa trong từng nước đi:”Tại sao cao thủ lại chơi như thế?”. “Đối thủ phải đối lại như thế nào?”. v.v…Những câu hỏi này là phương hướng tư duy của người luyện và sẽ quán xuyến trong suốt ván cờ. Phương pháp này cũng đòi hỏi bản thân người luyện phải có một trình độ hiểu biết cờ nhất định, nếu không chỉ là nuốt trỏng, không được lợi gì cả… Lúc ấy tôi cỡ 5, 6 tuổi, hoàn toàn không lý giải được những gì đã ghi trong đó và xem xong là quên ngay.
Ưu điểm của luyện cờ là không phải mất công đi tìm đối thủ. Chiêu thức ghi trong sách hay hơn nhiều so với những đối thủ có được trước mắt. Chỉ cần có một trình độ tối thiểu, chịu bỏ công nghiên cứu, chắc chắn có thu hoạch. Nhưng khuyết điểm là rất khô khan khó nuốt! Lúc đó ở nhà đã có một “hãng in” nho nhỏ, ba lo phần làm bản khắc, mẹ lo in ấn. Trong ngày, ba ngoài việc làm bản khắc còn phải đi ra ngoài kiếm mối, không có nhiều thời giờ bên cạnh tôi. Cho nên hầu như tôi chỉ luyện một mình. Thử tưởng tượng một thằng bé mới lớn, sung sức, thích chạy nhảy tung tăng mà lại phải tối ngày giam mình trong nhà “chơi” cờ, thật là chán chết đi thôi.
Thú thật tôi cũng muốn đi rong chơi cùng đám nhóc trong xóm, đánh banh, hoặc đến cái ao gần nhà dọc nước…nghĩa là làm bất cứ cái gì khác cũng được .
Lúc đó, không mấy hộ mà nhà có TV. Xem TV là một hưởng thụ xa hoa. Gia đình bên cạnh có máy truyền hình. Một buổi tối tôi nhịn không được,”chuồn” sang nhà bên, về nhà bị ba la rầy một trận dữ dội.
Một lần khác, buổi chiều có giờ lao động, tôi xin thầy về nhà luyện cờ, mấy đứa khác cũng xin phép nghỉ vì những lý do khác. Thường nhật mấy đứa này học giỏi, nên thầy không nghi ngờ động cơ của chúng. Ra khỏi trường, tụi tôi không về nhà mà lại băng thẳng qua kho lương thực đối diện. Mẹ của một đứa bạn học làm việc tại đó, được phân phối cho một ký túc xá. Biết mẹ không ở trong đơn vị, thằng bạn học dẫn cả đám rón rén mò lên lầu và leo vô phòng bằng cái cửa sổ mở sẵn trên cánh cửa ra vào. Cả đám vui vẻ chơi bài poker suốt buổi chiều rồi ra về như không chuyện gì xảy ra.
Những lần “cúp cua” đi chơi như vậy không nhiều lắm, tôi thì ưa mất tự nhiên khi phải nói dối với thầy cô. Sau tôi tự hứa phải chừa.
Ngoài việc luyện phổ, ba còn nghĩ đến những cách khác giúp tôi tăng thêm nội lực.
Một lần kia, ba mời một nguời bạn cờ đến nhà, thầy Dư Gia Tài, một người cao ốm, lớn tuổi hơn ba, là tay cao thủ nổi tiếng Huyện Nhiêu Bình, chuyên bày cờ thế Giang Hồ kiếm sống, thuờng lui tới quanh vùng Long Giang. Biết sở trường của Thầy, ba mời về nhà để truyền thụ cho tôi những kỹ xão mưu sinh thường nhật của Thầy.
Nói đến cờ thế giang hồ và những thế cở ta gặp trong các gian hàng cờ tướng , đều có ghi chép trong những bí phổ thời nhà Minh,Thanh. Những cấu tư trong kỳ cuộc rất ảo diệu và biến hoá phức tạp, trong đó không thiếu gì những chiến thuật vượt quá phạm trù tư duy của kỳ thủ thượng đỉnh hiện nay. Có thể nói rằng trong bí kiếp đã tập hợp những tinh hoa và đại diện cho trình độ cao nhất của nghệ thuật cờ tướng đương thời. Người đời sau dựa trên những kết tinh nghệ thuật ấy, vừa kết hợp nhu cầu thực tế, tiến hành cải thiện, hoặc thêm hoặc bớt và hình thành những cờ thế ta thường gặp hiện nay.
“Thất tinh tụ hội”, “Khưu dẫn hàng Long”, “Thiên lý độc hành”, “Dã Mã thao điền” là tứ đại danh cuộc. Trong những thế này, quân cờ nhiều mà biến hoá tinh diệu vô cùng. Nhân vật chính Lệnh Hồ Xung trong “Tiếu ngạo Giang Hồ”(Kim Dung) đã học được kiếm pháp vi diệu “Độc cô cửu kiếm” từ nơi tiền bối Hoa Sơn, những phương vị xuất kiếm cùa chàng xuất quỷ nhập thần, biến hóa khôn luờng, người ta vô phương đoán biết chỗ đến của mũi kiếm, thì tương tự chiêu thức trong những thế cờ này cũng ảo diệu, bao trọn cái “mùi vị” kiếm pháp cao siêu ấy.
Ngoài những lúc kiếm sống, hễ rỗi là Thầy đến nhà truyền đạt thêm cho tôi “Tứ đại danh cuộc”. Thực tình mà nói, những “món” bổ dưỡng ấy quá ư là huyền ảo so với trình độ lúc đó cùa tôi, tôi chưa thật sự hoàn toàn lý giải tốt. Nhưng học tập quý ở chỗ tích luỹ. Phải tích lũy trước, rồi tiêu hoá, sau cùng mới phát huy. Tác dụng của cờ thế có lẽ phải đợi đến sau này mới thấy kết quả hiệu nghiệm .
Tôi biết ba phải trả công cho thầy Dư. Lúc đó hoàn cảnh gia đình eo hẹp, nghề in thủ công không cạnh tranh nổi với máy in tự động, mà nhà lại mới thêm hai thành viên mới, hai đứa em gái. Gia đình 6 miệng phải sống bằng phần thu nhập ít ỏi của ba mẹ.
Tính tình của ba cũng như đa số dân địa phương là hào phóng, hiếu khách. Khi nhà có khách, ba thuờng lặng lẽ kéo mẹ qua một bên, dặn đến nhà bạn bè mượn tí tiền ra chợ mua rau cải thịt thà về đãi khách. Để giữ được thể diện chủ nhà, kinh tế gia đình càng chịu thêm nhiều áp lực. Tuy khó khăn, nhưng quyết tâm bồi dưỡng cho đứa con của ba mẹ không bao giờ bị dao động .
Sau giải Thành phố, tôi được đưa đi tập huấn trên Thành. Ba là đại diện đương nhiên đồng hành. Mẹ vì không yên tâm tôi lần đầu xa nhà một mình, không quen lối sống tập thể nên cũng đích thân đi một chuyến. Mọi việc phải tạm gác lại, cả công việc đang làm và ba đứa con. Mẹ không quen ngồi xe, trên đường đến Sạn Đầu mẹ ói những mấy lần, lúc xuống xe mặt mẹ tái nhợt.
Sau khi làm xong thủ tục ghi danh, mẹ vẫn chưa yên tâm, cùng ba ở lại trại tập huấn thêm mấy ngày. Ăn ở miễn phí, đó là nhờ sự quan tâm của ông Lưu Bỉnh Kiên, chủ nhiệm phó cùa Thể Uỷ Thành lúc ấy. Chủ nhiệm Lưu tuy là người Huệ Lai, nhưng không quen biết với gia đình chúng tôi. Ba dựa vào chút tình đồng hương cỏn con ấy, dẫn vợ dắt con và ôm theo một bao đậu phọng, đến gõ cửa nhà Chủ nhiệm. Cái bao đậu phọng ấy, là phần vật chất hồi báo duy nhất cùa gia đình này dành cho sự giúp đỡ tận tình của Lưu chủ nhiệm.