AudioChuyện Cờ Tướng

Hứa Ngân Xuyên Tự Truyện

18. TÁI CHIẾN HỒ TƯ LỆNH

Mặc dầu đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu, nhưng thất bại vẫn đến với tôi. Cũng may cái vấp ngã lần này không diễn ra ở giờ phút cuối mà ở vòng 4, người đánh bại tôi chính là ĐCĐS Triệu Quốc Vinh của Hắc Long Giang. Bấy giờ Triệu mới ngoài ba mươi, đang tuổi sung sức, sự nghiệp ở đỉnh cao ; hai lần Vô Địch toàn Quốc, phong cách kỳ nghệ cương nhu tương tế, lúc tấn công hùng mạnh như mãnh long quá giang , khi phòng thủ thì vững bền như núi Thái Sơn , là một trong những cao thủ mà làng cờ công nhận khó đối phó nhất.

Trong ván đấu này tôi chiếm ưu thế ở khai cuộc ,tiếc rằng trong giai đoạn giằng co phức tạp ở trung biến vì không phán đoán chính xác điểm tấn công của đối phương , bị một nước đi tinh diệu của Triệu, đành trơ mắt ếch nhìn con Chốt giữa qua sông hiên ngang tiến tới như chỗ không người. Từ đó giang hà nguy biến, Triệu xiết chật vòng vây, cuối cùng thành trì tôi thất thủ. Trong trận này ở giai đoạn trung cục Triệu đã đi những nước cờ tinh diệu ngoài dự liệu của tôi. Đánh cờ phải lường truớc ý địch ,nắm tiên cơ hành động trước để chế ngự địch, nếu không thì chỉ bị người ta xỏ mũi dắt đi. Ván cờ này cũng thể hiện một điểm là tôi vẫn chưa thể ngang vai ngang vế cùng các cao thủ tuyệt đỉnh.

Thua keo này, con đường trước mắt tôi đã trở nên ảm đạm, mặc dầu còn 9 ván nữa, nhưng vì điểm tích lũy thấp và nhuệ khí bị đè bẹp , tôi tự biết mình không còn bao nhiêu cơ hội nữa. Tôi than thầm trong bụng mọi nỗ lực ,cố gắng năm nay xem như công dã tràng .

Trong trận kế tiếp , tôi lại một lần nữa chạm trán với Hồ Vinh Hoa. Trước đây tôi từng đấu với Hồ hai ván và thua cả hai ; vết thương lòng trong giải năm ngoái vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, tình cảnh tôi lúc này thật đúng với câu : nhà dột lại gặp mưa thâu đêm !

Phen này tái chiến, tôi không hề dám có một ý nghĩ lạc quan nào về kết quả cuộc chiến, nhưng chiến sự tiến triển lại hoàn toàn ngoài dự liệu của tôi. Hồ đi tiên ,ông vẫn dựng Pháo đầu. Rút tỉa kinh nghiệm đau thương hai lần trước, tôi bầy trận Bình phong mã theo đúng bài bản. Trong khai cuộc , Hồ dồn hết tâm trí để tìm nuớc biến, nhưng chẳng những không mở rộng thêm nước tiên, lại khiến thế trận rơi vào tệ đoan không vững chắc; mà cái chỗ sai lầm nhất là lúc cuộc cờ đi vào trung biến, Hồ đã đi một nước xem chừng là tranh tiên nhưng chính nước này khiến ông lâm vào cảnh bất lợi ở cờ tàn : không xe đấu với có xe. Tình hình chiến sự bây giờ khác hẳn với dự liệu lạc quan ban đầu của Hồ, nên trong thế hạ phong xem chừng ông không còn tâm chí chiến đấu ; sau một hồi giao tranh không kịch liệt lắm, ưu thế bên đen càng rỏ dần. Trước cảnh sơn hà tan nát, mặc cho một bậc đại Tôn Sư cũng không thể xoay chuyển cục diện.

Khi phân tích ván cờ này ,ta có thể thoáng thấy tư tưởng khinh địch của Hồ. Đối với ông ta sự sơ xuất lần này chẳng qua là một lần chao đảo không đáng để tâm của một tài công ưu tú đã bao lần chế ngự phong ba bão táp, vuợt sóng trùng dương. Nhưng đối với một kiếm khách trẻ đang cần thông qua chiến thắng những đối thủ hùng mạnh để làm động lực tiến lên ,thì tác dụng và sức mạnh cổ vũ đó không thể nào lường được .

Sau ván đấu ấy ,bổng dưng sức mạnh và tự tin của tôi tăng lên cao độ, những ván kế tiếp tôi thuận buồm xuôi gió , tiếp tục xông pha và lại phóng lên vị trí hàng đầu.

Tình hình bấy giờ là quần hùng phân tranh, thiên hạ đại loạn. Những người đang dẫn trước hoặc vì ngã ngựa hoặc vì chần chừ không tiến , thì những kẻ đuổi sát theo nhân cơ hội vượt qua; trong hội trường không ngừng diễn ra những màn vượt lên và bị vượt. Sư huynh Trang Ngọc Đình là một truờng hợp rất đáng tiếc trong cuộc đua này, mười vòng đầu anh sánh vai cùng buớc với những người khác ở vị trí hàng đầu, nhưng ba vòng cuối anh yếu dần ,rốt cuộc chỉ được về hạng 7 và chuyện này đã tái diễn trên người anh đến ba lần!

Chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt và tàn nhẫn, mạnh còn yếu mất.Trong cuộc chiến đòi hỏi cao về trình độ lẫn cường độ này, mọi người đều ví như thủy thủ đang lèo lái con thuyền cỏn con nơi đầu sóng ngọn gió, nguy cơ trùng trùng; hễ một chút bất cẩn là bị sóng biển cuồn cuộn cuống mất. Cuộc chiến kéo dài nửa tháng , 13 vòng đấu chẳng khác gì cuộc đua đường trường ma-ra-tong , phải luôn giữ vững tín niệm, tâm thái bình yên, tiến buớc với tốc độ ổn định mới có thể trở thành người thắng lợi cuối cùng.

Khi chiến cuộc đi vào vòng chung kết , tôi và sư huynh Lữ Khâm cùng chiếm cứ hàng đầu của bảng điểm, nhưng tình thế có lợi cho tôi hơn. Dựa theo quy tắc tính điểm, người cùng điểm thì phải tính điểm đối thủ để phân cao thấp, điểm đối thủ tôi cao hơn hẳn Lữ Khâm. Nếu sự việc diễn tiến bình thường và có tình trạng cùng điểm thì cơ hội tôi thắng giải rất cao. Giả sử tôi thắng ván cuối cùng ,sẽ đoạt giải vậy.

Trong tình huống bình thường chúng tôi cho rằng, khi một kỳ thủ đã nắm chính xác tình trạng điểm tích luỹ của mình, bao gồm cả điểm đối thủ hiện giờ của các đối thủ bằng điểm và cả những biến số có thể xảy ra nếu có, thì mới có thể vạch định ra một sách lược phù hợp cho lợi ích hiện thực nhất. Tình hình thực tế lúc bấy giờ là tôi hoàn toàn không có tính điểm đối thủ; trước ngày quyết chiến có một ngày nghỉ, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến chuyện du ngoạn đi chơi. Sáng hôm đó tôi gặp các cô cùng đội ngay trước cửa phòng tiếp tân, họ đang tính đi ra biển chơi, thế là tôi vui vẻ gia nhập vào hàng ngũ hóng mát này.

Ven biển Thanh Đảo, ta có thể nhìn thấy một số nhà lầu mang phong cách kiến trúc Tây phương . Những toà kiến trúc này đã âm thầm nói lên những biến cố , tai vạ mà thành phố và đất nước này đã hứng chịu trong những thời điểm đau thương , khổ nạn ; đồng thời bản thân chúng lại tô vẽ thêm vẻ đẹp thanh nhã và ý vị cùa thành phố.

Mặc dầu không biết bơi lội , nhưng tôi lại thích biển. Biển cả mênh mông, vô biên vô giới, sóng biển nhẩp nhô, thủy triều lên xuống đều mang lại cho người ta những mơ mộng thú vị, tuyệt vời. Đối mặt với biển, lòng ta tự nhiên rộng mở trong sáng, bao nhiêu phiền não cũng sẽ tan biến theo cơn gió biển. Mọi người hóng gió biển rất lâu trên cầu tàu, trong lòng ung dung tự tại, đã quên bẵng chuyện thi đấu ngày mai.

Góc đàm đạo