29. Trở Thành Nhà Vô Địch Thế Giới
Đây là hồi cuối trong phần Hứa Ngân Xuyên tự truyện.
Tháng 10 năm 1999 tại Thượng Hải, tôi đã tròn giấc mộng Vô Địch cá nhân thế giới. Thượng Hải là nơi đất lành chim đậu. Năm 1988 tôi đoạt ngôi báu Vô địch Thiếu niên và mười một năm sau cũng tại đây, tôi lần nữa đăng quang giải Thế giới . Thượng Hải quả là vùng đất may mắn của tôi.
Tiêu điểm giựt giải lần này nằm trong ba nguời là tôi, Văn Thanh và Ngô Quế Lâm, kỳ vương Đài Loan. Ngô là thuợng khách của giải thế giới, Ông luôn là kỳ thủ đại diện của Đài Loan. Xét về thực lực lúc đó, ngoài những kỳ thủ nội địa thì Ngô Quế Lâm đứng đầu.
Ngô dày dạn kinh nghiệm chiến trường, chiến luợc chiến thuật rõ ràng, khi đụng đấu thủ TQ thì “dĩ hoà vi quí”, gặp tuyển thủ nước ngoài thì “đánh hoài không nghỉ” tận lực tranh thắng, còn tôi thì không có sách lược phân minh như thế. Và chúng tôi đụng nhau ở vòng 4, Ngô lấy hai chữ “bình ổn” làm phương châm cho cuộc chiến.Trong giai đoạn khai cuộc tôi không giành được ưu thế gì cả ,chỉ còn cách cẩn thận đối phó, địch đi sao ta đi vậy; hai bên đã nhanh chóng đổi cặp xe đi vào tàn cuộc, tôi cầm Mã Pháo Chốt đối chọi với Mã Pháo Sĩ Tượng toàn của Ngô. Lúc đó mọi người nghĩ rằng trận đấu sắp kết thúc, nhưng nguời trong cuộc lại biểu hiện sự kiên nhẫn vô cùng và ý chí quyết chiến cao độ. Tôi nhờ có ưu thế hơn một Chốt nên dốc toàn lực để tìm đuờng thắng. Sau vài hiệp qua lại, tôi đã chụp được sơ hở đối phương và từ từ hình thành một thế tấn công có lợi. Ngô Quế Lâm sau một nước sơ, lập tức tập trung lực lượng lại, thu nhỏ phòng tuyến để tạo thế phòng ngự kiên cường nhất.
Cuộc diện phát triển theo huớng có lợi cho tôi, chú Chốt đỏ tiến vững từng buớc dưới sự phối hợp và yễm trợ hữu hiệu của Pháo Mã , lực lượng tiên phong đã chiếm cứ vị trí yết hầu của địch, đồng thời cặpTượng đen, hai thủ vệ đắc lực, đã bị diệt trừ! Trong thế nguy khốn, Ngô không nản lòng, ông bình tĩnh thẩm định lại cuộc thế, rồi dùng hai thị vệ cuối cùng, cặp Sĩ, kềm chật Chốt tôi ở vị trí Tượng đen . Từ đó, chàng dũng sĩ tí hon của tôi chỉ còn đứng nhìn Tướng đen trong gang tất, nhưng vô phương bắt trói Tướng địch được.
Trong tàn cuộc, mặc dầu quân lính thưa thớt, nhưng không thể vì thế mà xem nhẹ tác dụng của từng nước đi. Này nhé, một nước phi Mã không đáng để mắt tới, lại thường hàm chứa một kế hoạch tấn công chết người; một nước rút Pháo bình thường , cũng có thể là dấu hiệu chuyển hướng tấn công…Nhưng tất cả mọi nước đi mang tính nguy hiểm đều không thoát khỏi ánh mắt anh minh của Ngô Quế Lâm, ông đã thành công hoá giải tất cả những đợt tấn công của tôi. Cuộc đọ sức dài đằng đẵng không kết quả, cuối cùng đôi bên đồng ý ký hiệp nghị hòa bình.
Ván cờ bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ mấy buổi chiều, cuộc đấu trí đấu dũng hơn 8 tiếng không giờ nghỉ trưa, nhưng đôi bên vẫn giữ tinh thần chiến đấu chí cao độ trong suốt cuộc chiến. Đó là ván đấu dài nhất trong đời tôi.
Đấu cờ tuy thuộc dạng đọ sức về trí tuệ, nhưng mức độ kịch liệt không thua bất cứ môn đấu thể lực nào, vì thế người ta còn gọi cờ tướng là “Cuộc chiến thầm lặng không âm thanh”, vì ngoài việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn về kỳ chiến, còn yêu cầu người trong cuộc phải có phẩm cách, ý chí kiên cường và sức khỏe sung mãn.
Cờ tướng còn là cuộc chiến của chiến sĩ cô độc, không nghe tiếng hò reo,gào thét, phất cờ, cổ võ trợ uy, hồ hởi phấn khởi của khán giả. Ngọn lửa chiến đấu bừng bừng bốc cháy trong bàn cờ đối nghịch rõ nét với sự im lìm thin thít của hội trường thi đấu. Nhưng trong ván cờ “Marathon” này, chúng tôi không thấy cô đơn vì có hai mỹ nhân bên cạnh đi cùng chúng tôi ,suốt cuộc đấu, đó là hai người đẹp cô Cao Ý Bình và cô Văn Tịnh.
Lúc đó cô Cao ý Bình và Ngô Quế Lâm đã kết nghĩa vợ chồng, cùng viết nên khúc nhạc duyên tình tốt đẹp của eo biển hai bờ. Còn cô Văn Tịnh và tôi đang chìm đắm trong bể yêu đương. Cô nguyên là kỳ thủ chuyên nghiệp, đã cùng tôi đi khắp nơi chinh chiến trong những giải cá nhân, toàn đội; rồi dần dần tôi phát hiện tâm tư cô không còn để trong ván cờ của mình nữa. Khách quan mà nói, nếu không vì bận tâm chiếu cố tôi, cô có năng lực tiến bước xa hơn trong nghiệp cờ. Trong giải thế giới lần này, cô cùng đi với nhiệm vụ chính là để cổ võ tinh thần chiến đấu cho tôi. Cô đứng cạnh theo dõi suốt trận đấu và còn hồi hộp hơn cả người trong cuộc. Đến giờ trưa, ban tổ chức tạm cung ứng một ít bánh trái lót lòng, hai đấu thủ chỉ ăn sơ cho bổ sung thể lực. Nhưng cô Văn Tịnh không tâm tư nào để ăn uống, cặp mắt long lanh chăm chú nhìn bàn cờ như sợ sơ ý thì cuộc diện sẽ đi theo hướng phát triển cô không muốn.Sau trận đấu, cô đã rơi mắt khi nhìn thấy khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi của tôi. Là một kỳ thủ, cô biết rất rõ nỗi vui buồn, sung sướng cũng như gian nan của kỳ chiến. Cô tiếc cho sự nỗ lực của tôi không mang lại kết quả như ý muốn và lo lắng cho đoạn đường chiến đấu sắp đến của tôi. Tôi không biết, nếu thiếu sự ủng hộ tinh thần của cô, liệu tôi còn giữ được trạng thái thi đấu cao độ sau trận ác chiến vừa rồi không?
Bây giờ, Văn Tịnh đã là vợ tôi, cô không còn thuờng xuyên đi cùng tôi trong những tháng ngày chinh chiến Bắc Nam đuợc nữa. Nhưng tôi hiểu, dù ở đâu, bất cứ lúc nào cô vẫn luôn âm thầm ủng hộ tôi. Tôi chiến đấu đơn độc nhưng không thấy cô đơn lạnh lẽo.
Đối với một kỳ thủ, mỗi trận ác chiến đều là cơ hội tôi luyện cho tinh thần và ý chí thêm vững mạnh. Con đường trước mặt tuy gập ghềnh khó đi, nhưng tôi đã đầy đủ tự tin và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thách.
Đồ long bảo đao của tôi càng trở nên sắc bén sau trận kịch chiến, tôi thắng liên tiếp những ván sau và cuối cùng làm tròn giấc mộng Quán quân Cá nhân Thế Giới.
Vô địch giải Thế giới là danh dự cao quý nhất của kỳ thủ, nhưng sự nghiệp cờ không dừng lại ở đó, nên ngày nào còn sống với cờ thì ngày đó còn phải t leo tiếp lên những đỉnh cao nghệ thuật vậy.