28.Thăm Viếng Nước Ngoài
Sau giải toàn quốc tôi theo phái đoàn cờ tướng Trung Quốc đến viếng thăm Úc Châu, cùng đi có nữ kiện tướng Kim Hải Anh, cô vừa đoạt giải Vô Địch toàn quốc nữ; ngoài hai nhà Vô địch mới ra lò còn có ngôi sao Bắc đẩu danh tiếng lẫy lừng của làng cờ là Hồ tư lệnh và cô Lý Tuyết, người tinh thông Anh ngữ, tháp tùng để bảo giá hộ hàng cho nhóm kỳ thủ mù tịt tiếng Anh này.
Sydney là nơi nhiều người Hoa trú ngụ, cơ sở phát triển cờ tướng cũng tốt. Tại đây, chúng tôi bất ngờ gặp đuợc nhà viết truyện kiếm hiệp danh tiếng Lương Vũ Sanh. Thời gian cải cách TQ mới bắt đầu, truyện kiếm hiệp của ông Lương đã dẫn truớc đi vào vùng đất liền, dấy lên làn sóng mê truyện võ hiệp lâu ngày không ngớt. Ông là người mê cờ, nhiều năm trước đã viết những bài bình luận cờ tướng khá chuyên nghiệp. Tôi nghĩ ông Lương sinh sống ở hải ngoại nhiều năm chắc không nắm rỏ tình hình làng cờ trong nước, ngờ đâu vừa gặp mặt ông đã dí dỏm gọi đùa tôi là ” Thiếu niên Khương Thái Công “, đó là một biệt danh đặt bởi một ký giả ở Thượng Hải năm 1994. Nguyên đây là biệt hiệu của tay cờ vây thiên tài Lý Xương Cảo của Hàn Quốc, nhưng vì tôi và Lý có nhiều điểm giống nhau, nên ký giả nọ lấy đó gán cho tôi, sau này dần lan rộng trong làng cờ.
Tôi rất xúc động khi gặp ông Lương. Tôi mê kiếm hiệp mà ông cũng thích cờ, nếu có dịp chuyện trò với ông thì thật là một chuyện thú vị biết bao. Nhưng vì hành trình đã sắp xếp, không có thời gian nán lại, thật đáng tiếc vô cùng.
Đoàn chúng tôi bắt đầu hướng về thành phố Melbourne, suốt cuộc hành trình tràn đầy câu ca, tiếng cười. Đến nơi, chúng tôi được sự đón tiếp của hội trưởng hiệp hội cờ tướng Melbourne gốc nguời Quảng Châu, tiếng Quan thoại của ông ta mang nặng khẩu âm Quảng Đông tiêu biểu.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ giao lưu văn hoá, ông Hội trưởng nhiệt tình đảm nhận vai trò hướng dẫn tham quan cho chúng tôi . Theo sự giới thiệu của ông, thời tiết Melbourne thay đổi bất thường lắm, có lúc trong ngày có bốn “Quý “( mùa) ( nguyên văn hai chữ"四贵” nghĩa là bốn cái “quý”, quý đây là quý hiếm,quý giá… chứ không phải"四季” là bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông LND ), sau đó chuẩn bị đưa chúng tôi đi tham quan đài Tưởng Niệm “Quan” nhân ( nguyên văn hai chữ"关人"quan nhân , là giam nhốt , cầm tù người ta… chứ không phải"军人"nghĩa là quân nhân LND ).
Nghe xong tôi nhịn không được suýt phì cười, những người khác tý nữa là ngất xỉu. Hồ tư lệnh còn chơi “ác”, thêm mắm thêm muối bắt chước nhái lại câu chuyện khiến mọi người ôm bụng cười mãi không thôi.
Lần viếng thăm thăm nước Pháp thì thú vị vô cùng và cũng là lần đầu tiên tôi nếm mùi đánh cờ thâu đêm suốt sáng . Theo chương trình sắp xếp, Lữ Khâm và tôi sẽ tiến hành 4 ván đấu biểu diễn ở Hội Quán Triều Châu tại Ba Lê, nên máy bay vừa hạ cánh chúng tôi đã vội vã đi về hội Quán và bắt đầu nhập cuộc ngay, bấy giờ là rạng sáng nếu tính theo giờ Bắc Kinh. Sức khỏe đôi bên chênh lệch thấy rỏ trong suốt cuộc đấu , cặp mắt tinh anh của Lữ Khâm lúc nào cũng nhấp nhánh không tỏ vẻ một tỉ ti mệt mỏi, tôi vì lý do thể lực nên không thể tập trung cao độ vào cuộc chiến, cuối cùng đã phải ngã gục duới các “tàn chi quái chiêu” hung hãn của Sư huynh trong ván đầu. Thua ván này, tôi mất cơ hội tranh thắng.
Trong thời gian đó chúng tôi đã đánh nhiều trận Xa luân chiến cùng các kỳ thủ địa phương. Xa luân chiến còn gọi là Đánh nhiều mặt, lợi cho việc đáp ứng yêu cầu cùng lúc cho nhiều người .
Kỳ thủ cờ tướng nước Pháp lâu nay vẫn xưng hùng ở Âu Châu, ngoài những cao thủ người Hoa, còn nhiều tay cờ giỏi đến từ Việt Nam. Họ đều phải làm việc để mưu sinh, không có nhiều thời giờ để đánh cờ; vì thiếu cơ hội rèn luyện trong các giải cờ có chất lượng, cho nên khi trình độ lên đến một mức độ nào đó thì dừng lại. Tôi nghĩ rằng nếu có kế hoạch mời đội TQ đến tổ chức những lớp bồi huấn định kỳ thì trình độ cờ tướng Pháp sẽ bước thêm những bước dài. Thế mới thấy kỳ thủ chuyên nghiệp TQ quá may mắn , chỉ một lòng một dạ nghiên cứu cờ tướng mà không phải bận tâm sinh kế.
Ba Lê là thủ phủ nghệ thuật thế giới, chúng tôi được dịp đi tham quan những kiến trúc nổi tiếng như tháp Eiffel, Khải hoàn môn (Arc De Triomphe), Viện Bảo tàng Louvre, Cung điện Versailles, Notre Dame v.v…
Là một cường quốc truyền thống trong khối Âu Châu, Pháp đã để bại trận quá dễ dàng trong thế chiến 2 , điều này khiến tôi nghĩ đến thời nhà Tống cũng trong thời kỳ phát triển rực rỡ về nghệ thuật, lại bị các nước láng giềng háo chiến ăn hiếp. Nặng về nghệ thuật văn hóa thì sẽ yếu về quân sự, đó là quy luật xưa nay?
Lúc đó đội bóng đá nước Pháp còn chưa nổi tiếng cho mãi đến khi Pháp gặp Ba Tây trong trận chung kết giải thế giới năm 1998, bấy giờ nhiều người vẫn còn mù quáng cho rằng đội Ba Tây có lợi thế chiến thắng hơn. Và dù cho sau này người ta có nhiều cái nhìn khác nhau về kết quả trận đấu, nhưng điều không chối cãi đuợc là lúc bấy giờ trình độ kỹ thuật bóng đá Pháp đã đạt đỉnh cao thế giới rồi. Túc cầu Pháp vẫn tiếp nhận sự huân đúc của nghệ thuật, văn hoá trên đất nuớc lãng mạn này ,đồng thời đã ấp ủ cho ra đời Zidane, một thiên tài bóng đá, cũng là đứa con cưng của nước Pháp. Ngôi sao Zidane xứng đáng được tôn xưng là nghệ thuật đại sư trong làng bóng, vì mãi đến nay vẫn chưa ai sánh bằng ông về sự lý giải cũng như nắm bắt hiện tượng, bản chất của bóng đá. Lối chơi của ông thiên nhiều về khống chế và ít tấn công, cái lý niệm hoặc phong cách chơi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ước muốn phá lưới của Ông. Banh lọt lưới không nhiều, nhưng âu cũng là một cách diễn dịch khác của nghệ thuật bóng đá vậy. Người ta rất kính trọng ông. Zidane là ngôi sao bóng đá tôi tôn sùng nhất.