26.Sinh Hoạt Trong Trường Đại Học.
Khi tôi trở về từ giải cờ toàn quốc thì niên học mới của trường Đại học đã bắt đầu rồi. Là sinh viên năm đầu của lớp 96 thuộc hệ Trung Văn, tôi sớm lao mình vào cuộc sống bận rộn vừa học vừa tập luyện. Tôi giành hầu hết thời giờ trong ngày học để theo kịp các bạn trong lớp. Trong khoảng thời gian học thi tôi xin phép nghỉ Đội cờ và ở nội trú toàn thời.
Ký túc xá của chúng tôi nằm trên lầu 8, mỗi phòng ở 8 nguời, gồm bốn giường ngủ chia ra ngăn trên ngăn dưới và mỗi người có một bàn học riêng được gom lại ở giữa phòng. Các bạn sinh viên đến từ mọi miền trong nước; sự có mặt của một vị đại sư cờ tướng khiến mọi người tỏ ra hiếu kỳ và tôi được đón nhận với sự niềm nở và thân thiện. Ban đêm đến giờ nghỉ, mọi người chui vô mùng nhưng chưa ngủ liền, thường thì hai ba đứa bắt đầu đấu láo, tán dóc và chẳng mấy chốc mọi người cùng hưởng ứng tham dự vào cuộc tán đía những chuyện trên trời dưới đất , tào lao thiên đế. Căn phòng tràn đầy tiếng nói tiếng cười vui vẻ của đám thanh niên đến từ năm hồ bốn bể …mãi đến khi đề tài cạn kiệt, mọi người đã mệt mỏi mới chịu đi vào giấc ngủ. Đây là “món ăn khuya” tất có của chúng tôi mỗi đêm trước giờ ngủ.
Về mặt học hành tôi nhờ có khiếu về môn văn học nên thành tích không đến nỗi thua các bạn xa quá. Thái độ thầy cô nói chung là khoan dung và khích lệ đối với người sinh viên đến từ Sở hà Hán giới. Theo quy định sinh viên năm thứ nhất phải nộp đủ 100 bài viết. Giáo Sư Trần Vĩ Trạm là chuyên gia uy tín trong ngành cổ Văn tự và cũng thích đánh cờ, thầy chủ động nhận lãnh trách nhiệm chỉ đạo việc viết văn cho tôi. Mỗi lần sau giờ hoàn tất bài học ở nhà thầy, hai thầy trò thường bày cờ ra để cùng đấu trí đấu dũng. Thầy Thi Ái Đông, người phụ trách thường vụ trong ngày, là một thanh niên tài trí mẫn tiệp; lần nọ tôi đưa Anh xem bài viết về thầy Trần Vĩ Trạm và đuợc Anh chỉ ra ngay những chỗ không thoả đáng, tôi nghe mà khâm phục và rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau khi sửa chữa và bài viết đã được đăng trên tạp chí thanh niên “Thời Đại Vàng Kim” trong tỉnh.
Trong trường luôn có những giờ biện luận của các môn học và Trung Văn là chính, vì thế thầy cô thường tổ chức những buổi tranh luận nho nhỏ trong lớp. Tôi đến dự thính vài lần và được nhiều điều bổ ích, nhưng vì tính tôi vốn hướng nội nên vẫn chưa quen việc nói trước mọi người. Lần nọ trong giờ Văn học sử, thầy Đổng Thượng Đức yêu cầu sinh viên phát biểu cái nhìn về truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, tôi thật hổ thẹn về sự nhút nhát của mình khi được thầy gọi tên mà không dám đứng lên trả lời.
Có một điều mà tôi vẫn cứ tiếc nuối là trong những năm Đại học, tôi đã để mất nhiều giờ dự lớp vì phải lo tập luyện và thi đấu. Hầu như môn học nào tôi cũng gặp cùng trở ngại là thiếu sự liên tục và hệ thống hoá trong việc học tập. May nhờ thầy cô khoan dung, bạn học giúp đỡ nên tôi mới có thể thuận lợi tốt nghiệp.
Mặc dầu học hành trong tình trạng đứt quãng, nhưng kết quả việc học mang cho tôi thật nhiều điều bổ ích. Tôi đã có dịp học hỏi và tiếp thu được nhiều tri thức chuyên môn, đuợc bồi duỡng thêm kiến thức ngoài đời, những sự hiểu biết này đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao tố dưỡng tổng hợp con người. Để giành đuợc thành tích tốt, các vận động viên chuyên nghiệp lúc nào cũng phải tập trung toàn lực làm tốt công việc tập luyện và việc làm này chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Lúc đó sức khoẻ tôi vừa mới bình phục không kham nổi việc tập luyện và học hành tốt cùng lúc đuợc. Vì thế trong thời gian đó, thành tích thi đấu của tôi không ổn định lắm, có giây phút huy hoàng như giựt giải Vô địch Thế giới và cũng có nhiều thất bại, tôi thật lúng túng khi để thua ba ván liền trong giải Toàn Quốc 1997, tạo kỷ lục thua cờ liên tục cao nhất trong đời tôi.
Vì bận học mà kệ trưng bày trong nhà tôi có thể bớt đi vài cái cúp vàng, nhưng tôi không hề hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tuổi trẻ là thời điểm tốt nhất để học hành, nếu để lỡ mất cơ hội vàng son thì sau này có hối tiếc cũng không kịp. Đời nguời hữu hạn, ta tích cực chu toàn những công việc trong khả năng mình, không thể đòi hỏi khắc khe phải làm tốt mọi mặt.