23. Bị bệnh
Nhìn lại suốt đoạn đường đã đi , thật khế hợp với quy luật : “sự vật phát triển theo dạng hình sóng”; trong cơn gian nan không buông xuôi, phải kiên trì chờ thời thì mới có dịp hồi sinh; lúc thành công rực rỡ mà thiếu tinh thần tự chế, tất sớm muộn gì cũng rơi xuống vực sâu của thất bại.
Từ cuối 1994 đến đầu năm 1995, tôi giành liên tiếp hai giải Vô Địch “Cao Khoa” và “Ngũ Dương ” thứ 15; thành viên dự giải đều là những vị vô địch toàn quốc, nên muốn giựt giải thì khó khăn phải biết . Thắng lợi trọng đại trong hai giải này đã đánh dấu cuộc đời thi đấu của tôi lại hướng đến một đỉnh cao mới.
Trong hàng loạt chiến dịch kế tiếp, tôi vẫn giữ vững khí thế tiến quân hùng mạnh; trong lúc những tin chiến thắng liên tục báo về thì một tai hoạ cũng đang âm thầm, lặng lẽ đến gần tôi. Vì chinh chiến liên miên, tinh thần tôi trường kỳ nằm trong trạng thái khẩn trương, sức khỏe cũng tiêu hao nhiều; sự mệt mỏi cả thân lẫn tâm không được nghỉ ngơi, điều dưỡng thích đáng đã khiến nguời tôi sa sút đi và bắt đầu ho. Bác sĩ trong đơn vị phòng bệnh chẳng giúp đuợc gì, chỉ khám qua loa và cho thuốc uống theo bệnh ho thông thường.
Rồi trong thời gian dự giải Danh thủ Á Châu ở Mã Lai, tôi đã đi đến nhà thuơng điều trị gấp vào ban đêm. Bác Sĩ trực nói tiếng Anh bù lu bù loa với người địa phương đi cùng tôi để thông dịch, nhưng họ cũng chưa kịp thời tìm ra căn nguyên bệnh . Những ngày ấy thật khổ sở và mệt mỏi, tôi phải vừa đánh cờ vừa …ho ! Vậy mà tôi cũng giựt đuợc Cúp Vô Địch lần đó. Khi trở về Quảng Châu tôi vẫn không chăm lo bồi dưỡng sức khoẻ; lúc đó tôi đã được nhận ghi danh học ở khoa Hán Văn 95 thuộc trường Đại Học Trung Sơn, tôi rất trân trọng cơ hội quý hiếm này, nên vừa đấu giải về thì đi học ngay ; thường thì nửa ngày dự lớp, nửa ngày kia luyện cờ. Và tôi đã mua một xe gắn máy để làm phương tiện đi chuyển giữa trường học và đảo Nhị Sa. Một hôm tôi ho dữ dội, khi phát hiện trong đờm có máu tôi mới ý thức đuợc sự nghiêm trọng của căn bệnh. Tôi liền gọi điện cho người bạn có hiểu biết về y học để tìm hiểu bệnh trạng, anh ta bảo phải nhập viện ngay. Anh tên là La Quế Đường, tài xế của một cơ quan nhà nước, người rất nhiệt tình và thích giúp đỡ kẻ khác; anh lái chiếc xe Van đưa tôi vào thẳng khu trị liệu khẩn cấp. Những bác sĩ trong bệnh viện lớn rất giàu kinh nghiệm trong nghề, sau khi tìm hiểu sơ lược bệnh tình, trong tâm họ đã biết bệnh gì rồi, nhưng còn chờ kiểm nghiệm của máy móc y khoa tiên tiến. Sau khi chụp hình tia X, quả nhiên không sai là bệnh phổi. Tiếp đến tôi đã chuyển qua bệnh viện chuyên chữa phổi và tiến hành liệu trình trong ba tháng.
Mẹ vừa hay tin, đã vội vàng đến và đóng trại ngay trong bệnh viện để cùng tôi chung sức chiến đấu với con ma bệnh. Tôi tuởng rằng mình đã trưởng thành, hoàn toàn có thể sống tự lập trong xã hội, Không ngờ một khi hữu sự thì cũng không thể xa rời sự chiếu cố của mẹ cha.Trong thời gian trị bệnh, mẹ lúc nào cũng sống trong trạng thái âu lo, ngoài những lúc bận bịu lo cơm nuớc ,thỉnh thoảng mẹ còn cầu nguyện cho tôi sớm khỏi bệnh . Mẹ là mẹ hiền cũng là một Phật tử thuần thành, mẹ tự tin rằng cả cuộc đời mình không làm gì sai và sống luơng thiện , nên mẹ thường khấn với Phật rằng:” nhất thiết khổ nạn xa rời con của con và nếu cần có người đứng ra để nhận lãnh cái bất hạnh ấy , con là người chịu thế cho”.
Trong thời gian nằm viện ,tôi đã bỏ lỡ cơ hội tham dự giải “Ngũ Dương “, nhưng mọi người không hề lãng quên nhà Vô địch đang lên này. Trong quá trình thi đấu căng thẳng , các nhà Quán quân dự giải cùng lãnh đạo viện Cổ đã tranh thủ thời gian đi thăm bệnh, tôi rất cảm động và ấm lòng.