22. Sự Tiến Bộ Của Cờ Chớp
– Trong năm 1994 cũng có những chuyện vui, tôi đại diện cho đội tuyển nhà dự giải Đồng Đội Á Châu tổ chức tại Ma cao vào cuối năm và đoạt giải Vô Địch đồng đội; nếu cộng thêm thành tích giải Á Châu năm 1992, tỷ lệ điểm thắng tích lũy hai lần của tôi vượt trên 70%, theo quy định của Liên Đoàn Cờ Tướng Á Chậu tôi đạt danh hiệu Đặc Cấp Quốc Tế Đại Sư.
– Tôi cũng giành được sự đột phá trong cờ chớp. Lần chạm trán với Lữ Khâm trong trận chung kết của giải “Cúp Địa Ốc Gia Phong” tổ chức lần đầu vào mùa hè tại Thượng Hải, chúng tôi đánh huề trong ván cờ chậm,phải thông qua cờ chớp để phân thắng bại. Trong cờ chớp điểm đáng chú ý là sự phản ứng nhanh nhẹn của kỳ thủ; làng cờ bấy giờ đều công nhận Lữ Khâm là tuyển thủ mạnh nhất; hàng năm sau giải “Ngũ Dương” là giải Cờ Chớp trên truyền hình và Quán quân hầu như đều nằm gọn trong tay Lữ Khâm. Vì thế hễ thấy Lữ có mặt trong giải cờ chớp thì người ta thường cá cuộc là Anh sẽ thắng. Nhưng lần này sự biểu hiện của tôi khá ổn định ; mặc dầu cờ chớp của tôi chưa thật sự nhanh, nhưng ưu điểm của tôi là tạo đuợc sự cân đối giữa tốc độ và chất lượng, nghĩa là đi cờ tuy chậm hơn nhưng lại “chuẩn” hơn. Nhưng vì chưa “chớp” thật sự, nên dưới quy chế tính giờ bao trọn, tôi thuờng bị thua thiệt trong giai đoạn tranh giành thời gian về cuối.
– Trong ván đấu này tôi cũng bị chậm mất nửa nhịp; so về tốc độ tôi thua tuyệt Lữ Khâm, cho nên sách lược đối địch của tôi là cố gắng đi cờ vừa nhanh vừa bảo đảm tính chính xác của nuớc đi. Trong trận so tài nhanh như chớp giữa “tốc độ” và “cân đối “, tôi nắm bắt sơ hở đi cờ nhanh quá của Lữ Khâm, đã chiến thắng địch thủ lợi hại số 1, vẻ vang giành cúp Vô địch. Trong giải cờ chớp lần II của năm kế tiếp đã xảy ra một chuyện khá thú vị, số là tôi và Lữ Khâm lại lần nữa gặp nhau trên đỉnh cao quyết chiến; vẫn 10′ cờ chớp cho mỗi bên, hai bên huề; nên phải đánh thêm 5′ cờ siêu chớp để phân cao thấp. Ván cờ này rất căng, quyền chủ động mấy lần đổi tay vẫn chưa thể phá vỡ cục diện bế tắc; đến giai đoạn cuối đôi bên đều sắp hết giờ, tôi chỉ nương vào trực giác mà ra tay như gió, cuộc cờ khốc liệt vẫn tiếp diễn; bỗng có người phát hiện hai chiếc cờ đỏ nhỏ trên mặt đồng hồ đôi bên đều đã rớt xuống hồi nào không biết, nghĩa là hai bên đều hết giờ! Thế thì ai đã hết giờ trước ? Ban trọng tài không thể làm quyết định được vì mọi người đều bị lôi cuốn vào cuộc chiến căng thẳng và quên cả nhiệm vụ của mình. Cũng may bấy giờ là cuộc đấu trực tiếp truyền hình, ống kính quay hình nhắm thẳng vào bàn cờ từ đầu đến cuối. Nên sau khi xem lại phim quay, thấy chiếc cờ đỏ nhỏ của Lữ Khâm đã rớt xuống trước tôi 2 giây, nghĩa là Lữ Sư huynh hết giờ trước và tôi may mắn giựt giải.
– Sau này, tôi và Lữ Khâm cũng có nhiều lần thử lửa trong các giải cờ chớp khác, nói chung dưới quy chế bao trọn giờ Lữ Khâm chiếm ưu thế ,nhưng tôi không hề thua thiệt trong cờ chớp không bao trọn giờ.