Luật cờ Tướng Việt Nam

Luật Cờ Tướng Việt Nam 2021 – Thuật Ngữ & Khái Quát Chung

Tham khảo Luật cờ tướng Việt Nam 2021, phát hành bởi Liên đoàn cờ tướng Việt Nam (Vietnam Chess Federation). Cập nhật theo luật cờ tướng Thế giới 2018.

Giải thích các thuật ngữ

  1. Bắt quân hay ăn quân: Quân của một bên thay thế vào vị trí của một quân đối phương và nhấc quân đó của đối phương bỏ ra ngoài một cách hợp lệ.
  2. Chiếu Tướng: là nước đi quân trực tiếp tấn công vào Tướng của đối phương. Hai quân cùng chiếu một lúc gọi là “lưỡng chiếu”.
  3. Dọa hết: Đi một nước cờ dọa nước sau (hoặc sau một loạt nước liên tiếp) chiếu hết Tướng đối phương.
  4. Đổi quân: Nước đi mà hai bên bắt quân lẫn nhau.
  5. Cản quân: Đi quân làm cản trở đường di chuyển của quân đối phương.
  6. Thí quân: Đi quân cho đối phương bắt để đổi lại một lợi thế khác hoặc chiếu hết Tướng đối phương.
  7. Nước chờ: Là nước đi không thuộc các nước chiếu hết, dọa hết, dọa bắt, đổi quân, chặn quân, thí quân.
  8. Chiếu mãi: Là nước chiếu liên tục, không ngừng.
  9. Dọa hết mãi: Là nước liên tục dọa hết.
  10. Đuổi bắt mãi: Đuổi bắt mãi một quân của đối phương, lặp đi lặp lại nhiều lần không thay đổi.
  11. Nước đỡ: Là nước chống đỡ một nước chiếu hoặc nước dọa bắt quân của đối phương.
  12. Chiếu lại: Đi một nước phá bỏ được nước chiếu của đối phương, đồng thời chiếu lại đối phương.
  13. Có căn, không căn: Quân cờ được quân khác bảo vệ thì gọi là “có căn” (hay “hữu căn”). Ngược lại nếu quân cờ không có quân khác bảo vệ thì gọi là “không căn” (hay “vô căn”).
  14. Căn thật: Khi bị quân đối phương bắt mà quân bảo vệ của mình có thể bắt lại ngay quân của đối phương thì đó là “căn thật”.
  15. Căn giả: Nếu quân bảo vệ của mình không ăn lại được quân đối phương thì đó là “căn giả”.
  16. Một chiếu, một dọa hết: Chiếu Tướng đối phương một nước, tiếp sau đi một nước dọa hết. Điều giải thích này cũng được dùng cho “một chiếu, một bắt”.
  17. Hai chiếu, một chiếu lại: Một bên đi mãi nước chiếu, còn bên kia chống đỡ nước chiếu thì cứ hai nước có một nước chiếu lại.
  18. Hai đuổi bắt, một bắt lại: Một bên đuổi bắt liên tục quân đối phương, còn bên kia trong hai lần giải thoát có một lần bắt lại quân đối phương.
  19. Hai đuổi bắt, hai đuổi bắt lại: Một bên đi liên tục hai lần đuổi bắt quân đối phương, còn bên kia hai lần giải thoát lại là hai lần đuổi bắt lại quân đối phương.

Khái quát chung về luật cờ tướng

  • Điểm 1: Chiếu mãi bị xử thua.
  • Điểm 2: Dọa hết mãi, một chiếu một dọa hết, một chiếu một bắt, một chiếu một dừng, một chiếu một đòi rút ăn quân, một bắt một rút ăn quân, nếu hai bên không thay đổi nước đi thì xử hòa.
  • Điểm 3: Một quân đuổi bắt mãi một quân thì xử thua (trừ đuổi bắt mãi Tốt chưa qua sông). Hai quân hoặc nhiều quân bắt mãi một quân cũng xử thua.
  • Điểm 4: Một quân lần lượt đuổi bắt mãi hai hoặc nhiều quân thì xử hòa. Hai quân thay nhau bắt mãi hoặc nhiều quân cũng xử hòa.
  • Điểm 5: Hai bắt một bắt lại, thì bên hai bắt (chỉ bắt cùng một quân) cũng là phạm luật bắt mãi, phải thay đổi nước đi, nếu không sẽ bị xử thua.
Khái quát chung về Luật cờ tướng
Khái quát chung về Luật cờ tướng
  • Điểm 6: Đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, bắt mãi quân có căn giả thì xử thua. Nhưng quân Mã hoặc quân Pháo nếu đuổi bắt mãi quân Xe có căn thật cũng bị xử thua.
  • Điểm 7: Đuổi bắt mãi quân có căn thật thì xử hòa, nhưng nếu quân ấy bị ghim không dịch chuyển được thì vẫn coi là bắt mãi, nếu không đổi thì xử thua. Quân Mã chạy đuổi bắt mãi quân Mã bị cản vẫn coi là đuổi bắt mãi, phải đổi nước đi, nếu không đổi thì xử thua.
  • Điểm 8: Đuổi bắt hai nước nhưng trong đó có một nước thực chất là đổi quân mà đối phương không chịu thì vẫn coi là bắt mãi. Bắt mãi kèm đòi đổi mãi đều coi là bắt mãi, bắt buộc
    phải thay đổi nước đi.
  • Điểm 9: Tướng hoặc Tốt bắt mãi bất kỳ quân nào nếu không thay đổi nước đi thì xử hòa. Nếu chúng phối hợp với một Xe, một Mã hoặc một Pháo để bắt mãi một quân thì cũng xử hòa.
  • Điểm 10: Các nước cản mãi, thí quân mãi, đòi đổi mãi, dọa mãi chiếu rút bắt quân đều cho phép, nhưng nếu không đổi nước đi, đều xử hòa.

1 bình luận

Khách 07/12/2023 at 12:34 chiều

Luật cờ tướng có quy định cùng loại quân được phép đuổi bắt mãi nếu không thấy đổi nước đi thì xử hoà

Trả lời

Góc đàm đạo