Chương 4. Tấn thăng Đại Sư, bái sư Thái Đẩu
Sau giải đấu đồng đội tháng 4, tôi trở về Thái Châu, tiếp tục cuộc sống vừa học vừa chơi cờ như thường lệ. Không ngờ, chỉ vài tháng sau, cha tôi nghe được từ một người bạn cờ rằng thầy Hồ rất tán thưởng trình độ kỳ nghệ của tôi và mong muốn đưa tôi đến thử sức ở đội Thượng Hải. Tuy nhiên, vì tôi không phải người gốc Thượng Hải, ông ấy vẫn còn do dự vì không muốn giành lấy nhân tài từ nơi khác.
Khi biết được thông tin này, cha mẹ tôi không thể ngồi yên. Sau khi xác minh từ nhiều nguồn đáng tin cậy, họ càng chắc chắn rằng lời đồn ấy là sự thật. Cha mẹ đã nhờ cậy chú của tôi, ông Quý An Chi, một phóng viên thể thao kỳ cựu của báo Văn Hối, liên hệ với thầy Hồ. Qua sự giới thiệu của chú, họ đã hẹn gặp thầy Hồ tại Thượng Hải
Trong buổi gặp gỡ, thầy Hồ bày tỏ mong muốn nhận tôi làm đệ tử và khuyến khích tôi tham gia huấn luyện ở đội Thượng Hải. Khi về lại Thái Châu, cha mẹ kể lại cho tôi mong muốn của thầy. Ý nghĩ được trở thành học trò của thầy Hồ khiến tôi vô cùng phấn khích. Tôi khẳng định ngay với cha mẹ rằng tôi muốn đến Thượng Hải, muốn được bái thầy Hồ làm sư phụ để học hỏi kỳ nghệ.
Thấy tôi quyết tâm như vậy, cha mẹ đã đưa tôi đến Thượng Hải thử sức. Vấn đề đầu tiên chúng tôi phải đối mặt khi đến đây là chỗ ở, nhưng may mắn thay, mẹ tôi có một người họ hàng ở Thượng Hải, và chúng tôi tạm thời ở nhờ tại đó.
Những tháng ngày tại Thượng Hải là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của tôi. Với sự chỉ dạy trực tiếp của thầy Hồ cùng cơ hội luyện tập với các cao thủ tại Kỳ viện Thượng Hải, cả kỹ năng lẫn sự tự tin của tôi đều có sự tiến bộ vượt bậc.
Tháng 8 năm 2001, Giải Vô địch Cờ tướng Thiếu niên Toàn quốc diễn ra tại Thượng Hải. Trong lần đầu tiên dự giải, tôi quyết định thử sức ở nhóm tuổi 16 – nơi các đối thủ đều lớn hơn mình cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm. Theo quy định của Tổng cục Thể thao Trung Quốc khi đó, nhà vô địch nhóm tuổi 16 sẽ được phong danh hiệu “Tượng Kỳ Đại Sư” Trước giải, thầy Hồ luôn khích lệ tôi phải dũng cảm chiến đấu, không ngại khó khăn để giành lấy danh hiệu cao quý này. Tôi âm thầm hạ quyết tâm: phải đạt được mục tiêu đầu tiên trong sự nghiệp cờ tướng của mình và không để phụ lòng kỳ vọng của thầy.
Mùa hè năm ấy, Thượng Hải chứng kiến trận mưa lớn nhất trong 50 năm, nước ngập đến đầu gối người lớn. Tôi không ở tại khách sạn dành cho vận động viên mà tạm trú tại nhà người thân cùng cha mẹ, cách địa điểm thi đấu hơn nửa giờ chạy xe. Trong vòng đấu quyết định gặp đối thủ Đảng Phỉ, dù đã xuất phát sớm trước hai tiếng để ứng phó với thời tiết, tôi vẫn không ngờ những khó khăn phía trước. Mưa lớn, nước dâng ngập đường, từng chiếc taxi chở khách lướt qua mà không dừng lại, khiến một đứa trẻ như tôi không kìm được nước mắt. Còn chưa tới sân thi đấu, còn chưa cùng đối thủ chém giết trên bàn cờ, lại vô tình bất lực bởi ông trời, thật không cam lòng.
Tôi hiểu rõ rằng, trong một giải đấu mà chỉ người vô địch mới được phong Đại sư, một trận thua bất đắc dĩ có thể là dấu chấm hết cho hy vọng. Khi dường như mọi thứ đang trôi khỏi tầm tay, một chiếc taxi trống bất ngờ xuất hiện. Cha tôi, trong sự gấp gáp và quyết tâm, nhanh chóng vẫy gọi chiếc xe. Dù đường phố kẹt cứng vì mưa lớn, tài xế đã nỗ lực đưa tôi đến địa điểm thi đấu kịp giờ. Vừa bước vào sân, tôi không kịp lau khô người, lập tức ngồi vào bàn và dồn hết tâm trí cho ván cờ quyết định. Cuối cùng, bất chấp mọi trở ngại, tôi đã giành chiến thắng trong ván đấu đầy kịch tính này. Đây không chỉ là một ván cờ, mà còn là minh chứng cho ý chí vượt qua nghịch cảnh để bảo vệ giấc mơ của mình.
Trải qua phong ba lần này, cha mẹ tôi lập tức đặt phòng tại khách sạn nơi tổ chức giải đấu và mời ĐCĐS Lâm Hoành Mẫn của đội Thượng Hải đến ở cùng. Điều này không chỉ ngăn những sự cố tương tự xảy ra mà còn tạo cơ hội để thầy Lâm hỗ trợ tôi phục bàn phân tích và chuẩn bị cho các trận đấu sau. Nhờ đó, tôi đã đạt thành tích 4 thắng 4 hòa trong 8 vòng đầu, đưa giấc mơ lên ngôi vô địch gần hơn bao giờ hết.
Nhưng con đường đến vinh quang chưa bao giờ dễ dàng. Vòng 9, tôi phải đối đầu với Phó Vũ, nhà vô địch nhóm trung học Thượng Hải, người nổi tiếng với khả năng trung cuộc vượt trội. Dù nắm lợi thế ở khai cuộc, tôi lại không tận dụng tốt cơ hội, để anh ta phản công mãnh liệt và chịu thất bại. Trận thua này đồng nghĩa với việc tôi phải thắng cả 4 ván cuối mới có hy vọng chạm đến ngôi vô địch. Không chỉ vậy, tôi còn phải trông chờ các đối thủ cạnh tranh không toàn thắng. Đây thực sự là một thử thách gần như bất khả thi.
Trong lúc tôi ngổn ngang suy nghĩ, thầy Hồ đã kịp thời động viên: “Chỉ cần còn một tia hy vọng, không được phép bỏ cuộc. Con đang ở thế không có gì để mất, hãy dồn hết sức mình.” Những lời khích lệ ấy giúp tôi gạt bỏ áp lực, dốc toàn lực cho từng trận đấu.
Kết quả, tôi đã chiến đấu ngoan cường để giành được 4 chiến thắng liên tiếp, qua đó lên ngôi vô địch và chính thức trở thành quốc gia tượng kỳ đại sư. Không những vậy, tôi còn phá kỷ lục, trở thành đại sư trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Đây không chỉ là thành quả của sự nỗ lực không ngừng mà còn là dấu ấn rõ nét của tinh thần kiên cường, không bao giờ chùn bước trước bất kỳ khó khăn nào.
Ngày 31 tháng 8 năm 2001 là một dấu mốc không thể nào quên trong sự nghiệp cờ tướng của tôi. Vào ngày này, dưới sự chứng kiến của chú Quý An Chi, thầy Hồ và tôi cùng bố mẹ đã tổ chức một nghi thức bái sư đơn giản – ngôi sao sáng trong giới cờ Trung Quốc Hồ Vinh Hoa chính thức nhận tôi mới 12 tuổi làm “quan môn đệ tử”, năm ấy thầy Hồ 56 tuổi
Tôi vẫn nhớ như in lời thầy nói với cha mẹ tôi trong buổi lễ hôm đó: “Với thiên phú và nền tảng của đứa bé này, việc sống được bằng cờ tướng là điều chắc chắn. Tương lai trở thành một kỳ thủ hàng đầu cũng không quá khó. Nhưng để vươn tới đẳng cấp siêu hạng, điều đó còn phụ thuộc vào sự nỗ lực và cơ duyên của cậu ấy.” Những lời ấy khắc sâu vào tâm trí tôi, khiến tôi thầm hứa rằng sẽ không bao giờ làm thầy thất vọng, nỗ lực không ngừng để trở thành một trụ cột của làng cờ Trung Quốc.
Sau này, tôi mới hiểu rằng, để mở đường cho hành trình học cờ chuyên nghiệp của tôi, thầy Hồ đã bỏ ra không ít tâm huyết. Việc một thiếu niên 12 tuổi như tôi được vào đội tuyển chuyên nghiệp, đặc biệt là giải quyết vấn đề hộ khẩu Thượng Hải, là chuyện vô cùng khó khăn vào thời điểm ấy. Nhưng thầy Hồ đã kiên quyết đấu tranh, nhấn mạnh: “Nhân tài vô địch trong cờ tướng là của hiếm, một khi đã phát hiện ra thì phải phá bỏ mọi khuôn mẫu để đào tạo ngay.”
Không chỉ thầy Hồ, cha mẹ tôi cũng đã hy sinh rất nhiều. Để chăm sóc tôi trong môi trường đầy cạnh tranh tại Thượng Hải, mẹ tôi xin tạm nghỉ việc không lương và chuyển tới sống cùng tôi. Bà thuê một căn phòng nhỏ với giá 1.200 nhân dân tệ mỗi tháng, ở bên cạnh tôi để lo liệu mọi sinh hoạt. Khi tôi dần thích nghi với cuộc sống ở thành phố lớn, mẹ tôi bắt đầu làm y tá bán thời gian tại bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải để phụ giúp kinh tế gia đình.
Đằng sau mỗi ván cờ là biết bao nỗ lực thầm lặng của thầy cô, cha mẹ, và cả chính bản thân tôi. Đó chính là động lực để tôi không ngừng vươn lên, chinh phục những đỉnh cao mới trên hành trình cờ tướng của mình.
Phương pháp dạy học trò của thầy Hồ Vinh Hoa luôn mang nét độc đáo, và đối với tôi, sự quan tâm ấy lại càng đặc biệt. Mỗi lần dẫn đội tham gia các giải đấu liên đoàn, tôi là người duy nhất được đặc cách ở chung phòng với thầy.
Trong mắt tôi, dù thuộc thế hệ ông nội, thầy Hồ không hề có khoảng cách với lớp trẻ. Trái lại, ông rất hiện đại, thường dùng những câu nói thịnh hành để đùa vui, giúp chúng tôi giải tỏa căng thẳng trước các trận đấu. Vào mỗi buổi tối trước giờ ngủ, thầy thường trò chuyện cùng tôi về những điều ngoài cờ tướng, truyền đạt những bài học sâu sắc về cuộc sống. Ông từng nói: “Cờ tướng và cuộc đời luôn gắn bó mật thiết với nhau.”
Phong cách chơi cờ của thầy là nguồn cảm hứng lớn với tôi. Quan sát ông trên bàn cờ, tôi cảm nhận được sự phóng khoáng tự nhiên, đầy tính sáng tạo và độc lập. Thầy như đang thể hiện một triết lý “vô chiêu thắng hữu chiêu” đỉnh cao. Có lẽ chính điều này đã khiến giới kỳ thủ ca ngợi ông là người đạt đến cảnh giới mà không ai sánh kịp.
Được ngày ngày tiếp nhận sự chỉ dạy của một kỳ nhân như vậy, con đường cờ tướng của tôi dường như càng trở nên suôn sẻ và đầy triển vọng.
Đón đọc bài tiếp: Chương 5. Giữa chốn phồn hoa, tĩnh tâm luyện cờ