Chuyện Cờ Tướng

Tôi Với Cờ Tướng – Tạ Tĩnh


Chương 3. Lấy nhỏ đánh lớn, xuất hiện nổi bật

Sau khi tỏa sáng tại các giải đấu dành cho thiếu niên, tôi bắt đầu tham gia thi đấu ở các giải dành cho người lớn, tận dụng cơ hội để rèn luyện bản thân trong những cuộc đối đầu đầy thử thách. Năm 1998, sau khi đoạt chức vô địch giải thiếu niên, tôi liên tục giành được suất tham dự Giải Vô địch Cá nhân toàn quốc hàng năm. Tuy nhiên, khoảng cách về thực lực so với các kỳ thủ trưởng thành vẫn còn lớn, nên tôi dành thời gian thi đấu ở Ất Tổ để trau dồi kinh nghiệm.

Cũng trong năm 1998, Giải Vô địch Cờ tướng Châu Á được tổ chức tại Thái Châu, Giang Tô – lần đầu tiên một giải đấu cờ tướng quy mô liên lục địa diễn ra ngay trên quê hương tôi. Khi ấy, tôi đã gây được chút tiếng vang tại Thái Châu với biệt danh “tiểu kỳ đồng”, nên vinh dự có cơ hội đến tận nơi để trải nghiệm không khí thi đấu đỉnh cao của giải đấu này.

Bước vào khán phòng, tôi háo hức quan sát các kỳ thủ hàng đầu từ nhiều quốc gia đang thi đấu và thầm ước rằng, một ngày nào đó, mình cũng sẽ có thể ngồi vào bàn cờ nơi đây. Ngay trong ngày đầu tiên xem giải, tôi bắt gặp một vị cao niên trên sân khấu. Ông đeo một cặp kính, dáng vẻ hiền hòa, luôn mỉm cười dù đang thi đấu hay dõi theo ván cờ của người khác. Cha tôi kéo tôi lại và nói: “Nhìn kìa, đó chính là Hồ Vinh Hoa, Hồ Tư lệnh.”

Hồ Vinh Hoa! Cái tên đã in sâu trong tâm trí tôi từ khi mới bắt đầu học chơi cờ. Câu nói “Ván này đến Hồ Vinh Hoa cũng không cứu nổi” là điều tôi nghe nhiều nhất trong những ngày đầu tập cờ. Nay được tận mắt chứng kiến thần tượng, tôi chỉ dám đứng từ xa, lòng tràn ngập sự kính phục. Ai ngờ rằng, chỉ vài năm sau, tôi và Hồ lão sư lại có duyên phận thầy trò.

Tháng 4 năm 2000, trước thềm Giải Vô địch Cờ tướng Đồng đội Toàn quốc chào đón thiên niên kỷ mới, thầy Giả Hữu Phúc – một nhà hoạt động kỳ cựu trong làng cờ tướng Thượng Hải – đã tìm đến tôi và mời tôi đại diện cho đội Phố Đông Thượng Hải tham gia giải đấu. Trong lần góp mặt đầu tiên này, tôi đạt thành tích 3 thắng, 3 hòa và 3 thua. Kết quả tuy không nổi bật nhưng cũng giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững vị trí trong đội hình.

Trong suốt giải đấu, tôi được thầy Cát Duy Phổ – một người đồng đội lớn tuổi – hỗ trợ hết mình. Chúng tôi ở chung phòng, và sau mỗi ván đấu, thầy luôn giúp tôi phân tích lại trận cờ, chỉ ra những sai lầm cần khắc phục.

Năm 2001, trùng vào năm bản mệnh của tôi, Giải Vô địch Cờ tướng Đồng đội Toàn quốc được tổ chức tại Lạc Sơn, Tứ Xuyên. Tôi tiếp tục đại diện cho đội Phố Đông, đảm nhận vị trí bàn 4. Ở vòng đấu thứ 6, khi đội nhà gặp bất lợi với hai bàn đầu thất bại, tôi cùng đại sư Vũ Binh ở bàn 3 đã xuất sắc giành chiến thắng trước đối thủ, đưa trận đấu trở về thế cân bằng. Thành tích này đã góp phần quan trọng giúp đội Phố Đông giành vị trí á quân Ất tổ, qua đó trở lại Giáp tổ một cách đầy thuyết phục.

Đặc biệt, trong suốt giải đấu lần này, mỗi khi tôi thi đấu, thầy Hồ Vinh Hoa thường âm thầm đứng phía sau quan sát. Ánh mắt thầy dõi theo từng nước đi của tôi, như một sự khích lệ vô hình, càng khiến tôi thêm vững vàng trên con đường phát triển sự nghiệp kỳ thủ chuyên nghiệp.

Trên chuyến tàu trở về Thượng Hải, đội Phố Đông và đội Thượng Hải tình cờ ngồi chung một toa. Khi được biết Hồ Vinh Hoa – người luôn âm thầm theo dõi các trận đấu của tôi – cũng có mặt, tôi lấy hết dũng khí tiến lại gần và lễ phép gọi: “Hồ gia gia.”

Thầy Hồ mỉm cười hiền hậu, ánh mắt đầy khích lệ, và nói: “Tiểu Tạ Tĩnh, lại đây. Giờ đang rảnh, để thầy Lâm Hoành Mẫn đấu với con vài ván nhé!” Nghe vậy, tôi vừa bất ngờ vừa vui sướng. Được thi đấu cùng ĐCĐS Lâm Hoành Mẫn – người nổi tiếng với phong cách chơi vững vàng, tinh tế và khả năng vận quân thủ thế ở trung cục xuất sắc – đích thị là một kỳ thủ công lực thâm hậu.

Không bỏ lỡ giây phút nào, tôi vội lấy bộ cờ mang theo, bày quân và bắt đầu ván đấu. Trước một đối thủ vượt trội về đẳng cấp, tôi sớm rơi vào thế bất lợi. Tuy vậy, tôi kiên trì phòng ngự, không để trận cờ đi vào ngõ cụt quá sớm. Không biết đã bao lâu trôi qua, bỗng nhiên giọng nói quen thuộc của thầy Hồ vang lên: “Tốt lắm, trụ rất vững! Tàu sắp đến ga rồi, giờ phong bàn nhé.”

Ngẩng lên, tôi nhìn thầy Lâm với ánh mắt biết ơn, và thầy cũng mỉm cười đồng ý: “Được, phong bàn thôi.” Dù không hoàn thành ván cờ, tôi cảm nhận được bài học lớn lao qua từng nước đi và cách xử lý tình thế của thầy Lâm. Khi bước xuống tàu, tôi không khỏi tự hỏi: Lần tới được gặp thầy Hồ sẽ là khi nào?

Đón đọc bài tiếp: Chương 4. Tấn thăng Đại Sư, bái sư Thái Đẩu

Góc đàm đạo