Chuyện Cờ Tướng

Tôi Với Cờ Tướng – Tạ Tĩnh

Chương 2. Thiếu niên kỳ tài: 3 lần đăng quang

Khi đến tuổi cắp sách đến trường, tôi theo học tại Trường Tiểu học Trung tâm Đại Phổ, Thái Châu. Vì cha mẹ bận rộn với công việc, mỗi trưa tôi thường về nhà bà nội ăn cơm. Trong giờ nghỉ trưa, tôi luôn nài nỉ bà chơi cờ cùng mình. Nhưng làm sao bà biết chơi cờ tướng được? Không còn cách nào khác, bà đành mua cho tôi các loại cờ khác như cờ bay (飞行棋), cờ thú (斗兽棋), cờ quân đội (军棋) để chơi tạm, thỏa mãn niềm đam mê cờ quán của tôi.

Khi lên lớp cao hơn, bài vở ngày càng nặng, cha mẹ thường xuyên nhắc nhở rằng nếu muốn tiếp tục chơi cờ, tôi phải cân bằng giữa học hành và niềm đam mê. Vì vậy, tôi luôn chăm chú nghe giảng trên lớp, hoàn thành bài tập ngay khi tan học để tranh thủ thời gian quý giá dành cho cờ tướng.

Trong suốt thời gian học tiểu học, tôi từng đảm nhận vai trò lớp trưởng, ủy viên đội thiếu niên, và vinh dự nhận danh hiệu “Mười gương mặt thiếu niên xuất sắc”. Ngoài ra, tôi cũng đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán Olympic. Tuy nhiên, điều khiến tôi háo hức nhất mỗi ngày vẫn là những giờ phút được ngồi vào bàn cờ vào buổi tối và những ngày cuối tuần.

Khi tôi lớn hơn một chút, cha đã mời một số cao thủ cờ tướng Thái Châu đến hướng dẫn tôi. Thầy Hoàng Vĩ Quỳ và thầy Lý Kim Khuê thường xuyên đến nhà tôi, đồng hành cùng tôi trong những ván cờ căng thẳng và tận tình chỉ bảo. Sự giúp đỡ của họ thực sự có ý nghĩa to lớn đối với tôi. Thầy Hoàng Vĩ Quỳ với lối chơi trung cuộc mạnh mẽ, thầy Lý Kim Khuê thì nghiên cứu sâu về các bố cục phi đao. Đặc biệt, thầy Hoàng Vĩ Quỳ có thể nói là người thầy đầu tiên khai sáng con đường học cờ của tôi. Dưới sự chỉ dẫn của thầy, tôi đã giành được vị trí Á quân tại Giải Cờ Tướng Thanh Niên Tỉnh Giang Tô vào năm 1996.

Chính tại giải đấu này, thầy Lý Quốc Huân của đội tuyển tỉnh Giang Tô đã thường xuyên theo dõi tôi thi đấu và rất ấn tượng với trình độ cờ tướng của tôi ở độ tuổi này. Thầy Lý Quốc Huân, một huấn luyện viên kỳ cựu của đội tuyển Giang Tô, đã từng dẫn dắt bốn nhà vô địch quốc gia nữ của tỉnh.

Bắt đầu từ năm 1997, mỗi khi đến kỳ nghỉ hè hay đông, cha mẹ đều đưa tôi từ Thái Châu đến nhà thầy Lý Quốc Huân ở Nam Kinh để học cờ. Sau khi đến nơi, cha mẹ tôi vội vàng trở về Thái Châu để tôi có thể chuyên tâm vào việc học cờ. Vợ của thầy Lý Quốc Huân luôn chăm sóc tôi như một người mẹ, tạo điều kiện tốt nhất để tôi tập trung vào việc học cờ. Về mặt chuyên môn, nếu thầy Hoàng Vĩ Quỳ đã giúp tôi phát triển kỹ năng trung cuộc từ nhỏ, thì thầy Lý Quốc Huân đã đưa tôi vào một hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Trong giai đoạn này, kỹ năng khai cuộc của tôi trở nên toàn diện hơn, cơ bản về tàn cuộc được củng cố, và trình độ của tôi đã có những tiến bộ đáng kể. Thầy Lý Quốc Huân thường xuyên chơi cờ và phân tích lại các ván đấu cùng tôi, không ngừng chỉ ra những vấn đề trong các trận đấu, và tôi luôn ghi nhớ những nguyên lý cờ mà thầy đã dạy. Thầy Lý Quốc Huân thường khen ngợi: “Tiểu Tạ Tĩnh có một ưu điểm là không bao giờ mắc lại lỗi cũ.” Sự công nhận từ thầy càng làm tăng thêm sự tự tin cho tôi trong việc học cờ.

Khi ấy, bài vở ở trường không quá nặng nề, vì vậy tôi dành hầu hết thời gian rảnh để đắm mình trong thế giới “Sở Hà Hán Giới.” Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách dày về cờ, say mê luyện tập các ván cờ cổ điển, thậm chí đạt đến mức độ ám ảnh.

Câu nói “có làm thì mới có ăn” chính là minh chứng cho năm 1998 – một năm đầy ắp thành tựu trên con đường chinh phục kỳ đàn của tôi. Dẫu phải cân bằng giữa việc học và niềm đam mê, tôi tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, tin chiến thắng liên tục.

Tháng 1, tôi giành ngôi vô địch nhóm thiếu niên tại Giải cờ tướng thiếu nhi “Đại Bằng Bôi” ở Nam Kinh. Tháng 2, tôi tiếp tục đoạt danh hiệu quán quân nhóm thiếu niên tại Giải cờ tướng “Kim Bạc Bôi” lần thứ bảy của tỉnh Giang Tô. Đến tháng 7, tôi bước lên bục cao nhất tại Giải cờ tướng thiếu niên toàn quốc “Quang Đại Bôi” tổ chức ở Thượng Hải, dành riêng cho nhóm 10 tuổi.

Đỉnh cao của năm 1998 chính là Giải vô địch cờ tướng thiếu niên toàn quốc tổ chức vào tháng 8 tại Thành Đô – sự kiện uy tín nhất dành cho các kỳ thủ trẻ. Trong nhóm 10 tuổi dành cho nam với 71 kỳ thủ tham gia, tôi thi đấu xuất sắc, đạt thành tích bất bại với 7 thắng, 2 hòa sau 9 ván, và chính thức đăng quang ngôi vô địch.

Tôi hiểu rõ rằng, chỉ có tiếp tục nỗ lực không ngừng mới giúp mình tiến xa hơn. Nhờ sự quyết tâm đó, trong các năm 1999 và 2000, tôi tiếp tục giữ vững phong độ bất bại, xuất sắc ba lần liên tiếp giành chức vô địch toàn quốc trong nhóm tuổi của mình.

Đón đọc bài tiếp: Chương 3. Lấy nhỏ đánh lớn, xuất hiện nổi bật

Góc đàm đạo